Ý kiến của các luật sư cho rằng, vụ việc tài xế lái ô tô 16 chỗ chạy vào đường cấm, tông thẳng vào người trung úy công an và đẩy rê hơn 100 m là hành động cần phải lên án và phải xử nghiêm.

Tài xế nhà xe Việt Tân Nguyễn Anh Tuấn bên ô tô tang vật - ẢNH: LÂM VIÊN
Tài xế nhà xe Việt Tân Nguyễn Anh Tuấn bên ô tô tang vật – ẢNH: LÂM VIÊN

Như thông tin đã đưa, vụ việc xảy ra vào khoảng 11 giờ 24 phút ngày 15.10, trung úy Trần Văn Bình và thượng sĩ Nguyễn Văn Long (Công an P.8, TP.Đà Lạt) đang làm nhiệm vụ trên đường Bùi Thị Xuân thì phát hiện tài xế tên Nguyễn Anh Tuấn (ngụ xã Phú Sơn, H.Lâm Hà, Lâm Đồng) điều khiển chiếc xe tải 16 chỗ đi vào đường cấm.

Khi công an ra hiệu dừng xe, tài xế vẫn tiếp tục lái xe đi tiếp. Trung úy Bình chạy lên phía trước xe dùng điện thoại quay lại cảnh tài xế vi phạm để làm bằng chứng xử lý, thì bất ngờ bị tài xế lái xe tông thẳng vào người và bị đẩy rê khoảng 100m.

Có thể xử phạt tài xế mức án tù giam lên đến 7 năm

Luật sư (LS) Võ Thanh Khương, thuộc Công ty Luật TNHH Logic & Cộng sự (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, trường hợp trung úy Bình đang làm nhiệm vụ và có thẩm quyền dừng xe, thì hành vi của tài xế đối với trung úy Bình có dấu hiệu phạm tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, mức xử phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nặng hơn thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Và dĩ nhiên, hành vi đi vào đường cấm vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Trong trường hợp trung úy Bình không có thẩm quyền dừng xe, LS Khương cho rằng, hành vi của tài xế đối với trung úy Bình không vi phạm pháp luật, nhưng vẫn vi phạm luật giao thông.

“Việc trung úy Bình dùng điện thoại để ghi hình lại và có người làm chứng là nguồn chứng cứ quan trọng để xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế về hành vi đi vào đường cấm theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với số tiền phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng”, LS Khương nhận định.

Mặt khác, LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, động cơ của tài xế là mong muốn bỏ chạy để tránh bị ghi hình. Tuy nhiên, tài xế lại chọn cách tông thẳng vào công an, để ngăn chặn bị ghi hình là hành vi vi phạm pháp luật.

Đây là hành vi thiếu văn hóa, đạo đức

Theo LS Chánh, hành vi của tài xế trong trường hợp này là vô cùng nguy hiểm, bởi dù biết việc tông trúng người khác có thể gây thương tích hay chết người nhưng tài xế vẫn thực hiện. Không những vậy, động cơ của việc thực hiện lại là nhằm trốn tránh pháp luật vì biết mình đi vào đường cấm. Trường hợp này, thay vì chấp hành hiệu lệnh công an, tài xế lại làm ngược lại, thậm chí còn ở một mức độ nguy hiểm cao hơn.

“Hiện nay, chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đã được quy định rất rõ ràng trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP và BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các chế tài được quy định trong Luật đã mang tính phân hóa, răn đe cao, đặc biệt là chế tài liên quan đến pháp luật hình sự. Ngược lại, những chế tài được quy định trong pháp luật hành chính lại không đủ sức để khiến các tài xế phải suy nghĩ trước khi thực hiện hành vi của mình. Do vậy cần gia tăng mức độ xử phạt với những hành vi có tính chất nguy hiểm”, LS Chánh nói.

LS Khương cũng cho rằng, hành vi của tài xế vẫn là hành vi thiếu văn hóa, thiếu đạo đức và cần phải bị chỉ trích mạnh mẽ. Mọi người phải có ý thức tham gia giao thông đúng quy định pháp luật để tránh những trường hợp vi phạm luật giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng. Giả sử, nếu bị tài xế tông thẳng trúng người mà trung úy Bình không tránh được hoặc không xử lý được mà bị thương tích hoặc tử vong thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

“Theo tôi, việc tuyên truyền pháp luật để người dân có ý thức khi tham gia giao thông là rất cần thiết. Hơn nữa, việc cơ quan báo chí quan tâm đưa thông tin và xã hội cùng lên tiếng mạnh mẽ cũng có tác động rất lớn để mỗi người tự nhìn nhận mà có ý thức tham gia giao thông đúng quy định pháp luật”, LS Khương nhấn mạnh.

Nguyễn Tiến | Nguồn Báo Thanh Niên

Bài khác nên xem:

YÊU CẦU LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điện thoại: 028.6654.0777 - Email: info@dccounsel.vn
0917.555.253 (LS Thiên Thanh) - 0911.410.053 (LS Ngọc Trâm).
0912.454.342 (LS Mai Hạnh) - 0908.060.304 (LS Đức Chánh).
Văn phòng: Lầu 6, 99 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.

Đội ngũ luật sư DC Counsel thường xuyên đóng góp ý kiến pháp lý trên các báo điện tử lớn nhất Việt Nam và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng hợp tác.