Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con. Theo quy định pháp luật, khi nào cặp vợ chồng được nhờ người khác mang thai hộ?

Quy định pháp luật, khi nào được nhờ người mang thai hộ?
Quy định pháp luật, khi nào được nhờ người mang thai hộ?

Điều kiện nhờ người mang thai hộ

Theo khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau:

  • Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
  • Vợ chồng đang không có con chung;
  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Nội dung tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ người mang thai hộ được quy định rõ tại Nghị định 10/2015/NĐ-CP, cụ thể:

Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn về y tế với những nội dung sau:

  • Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi;
  • Quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ;
  • Các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ…

Cũng theo Điều 16 Nghị định này, vợ chồng nhờ mang thai hộ được tư vấn về pháp lý với các nội dung như: Xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Ngoài ra, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn về tâm lý như: Các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh; tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con…

Điều kiện người được nhờ mang thai hộ

Theo khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:

  • Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
  • Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
  • Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
  • Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Lưu ý: Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

Ngoài ra, việc mang thai hộ chỉ được thực hiện tại một số cơ sở khám chữa bệnh nhất định. Cụ thể:

Theo Điều 13 Nghị định 10/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 98/2016/NĐ-CP), cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép;
  • Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.

Theo Luật Việt Nam

YÊU CẦU LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điện thoại: 028.6654.0777 - Email: info@dccounsel.vn
0917.555.253 (LS Thiên Thanh) - 0911.410.053 (LS Ngọc Trâm).
0912.454.342 (LS Mai Hạnh) - 0908.060.304 (LS Đức Chánh).
Văn phòng: Lầu 6, 99 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.

Đội ngũ luật sư DC Counsel thường xuyên đóng góp ý kiến pháp lý trên các báo điện tử lớn nhất Việt Nam và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng hợp tác.