Những hội chứng đáng lo ngại khi việc giới trẻ sử dụng mạng xã hội thường xuyên như hiện nay như :nghiện mạng xã hội, tình trạng sống ảo, hành động sốc nổi để câu view, câu like, chia sẻ không cần kiểm chứng, phán xét, xúc phạm người khác…

Mắc bệnh hoang tưởng do việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều
Mắc bệnh hoang tưởng do việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều

Sáng 29-10, báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội”.

PGS.TS Nguyễn Minh Hà – hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM – cho biết cả nước số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam là hơn 64 triệu, trong đó người trẻ chiếm tỉ lệ cao.

Đong đếm bản sắc cá nhân qua lượt “like”

“Việc xem mạng xã hội như một công cụ chia sẻ thông tin, thông qua mạng xã hội đã kết nối giữa nhà trường với sinh viên là đều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội còn có những tiêu cực. Chúng ta nên sử dụng mạng xã hội như thế nào để tận dụng hết lợi ích mang lại mà hạn chế những tiêu cực” – ông Hà đặt vấn đề.

Theo các chuyên gia, sử dụng mạng xã hội có mặt tích cực và tiêu cực tùy theo mục tiêu sử dụng và cách ứng xử của mỗi người.

ThS tâm lý Lê Thị Hằng – trưởng bộ môn tâm lý – khoa du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – cho biết mạng xã hội là nơi cho người dùng rất nhiều thông tin, hỗ trợ họ truy cập một khối lượng kiến thức khổng lồ phục vụ cho công việc và cuộc sống. Có thể nói, mạng xã hội mang lại một xu hướng sống mới, xu hướng công nghệ số của một thế giới mở.

Tuy nhiên, giới trẻ thể hiện xu hướng của cá nhân rất rõ thông qua văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội vô tình trở thành con dao giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần.

“Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp cho giới trẻ thấy tự tin và sống lạc quan hơn. Trước khi thích và chia sẻ, mọi người hãy suy nghĩ nó sẽ tác động thế nào đến người xung quanh và chính bản thân mình” – bà Hằng chia sẻ.

Phát biểu tại tọa đàm, TS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ câu chuyện nhiều bạn trẻ đưa tự ra các “thử thách” trên Facebook của mình như “đủ 2.000 like sẽ cởi, đủ 5.000 like sẽ mang xăng đi đốt trường”.

“Nhu cầu thể hiện bản thân của các bạn trẻ rất lớn nhưng khả năng bản thân chưa đủ sức để làm việc đó nên phải thực hiện bằng những cách lệch lạc. Không ít bạn trẻ cân đo đong đếm bản sắc và giá trị bản thân bằng số lượng like trên mạng xã hội trong khi số lượng like nhiều khi không thể hiện được điều gì cả” – ông An nói thêm.

Cũng theo ông An, thông tin trên mạng xã hội rất nhanh, vì nhanh nên đôi khi chưa chính xác. Mỗi người sử dụng mạng xã hội như một người cung cấp thông tin nhưng không có ai kiểm duyệt thông tin trước khi đăng ngoài ý chí chủ quan của mỗi người. Do vậy, người sử dụng cần kiểm chứng thông tin trước khi like hoặc chia sẻ.

Coi chừng vi phạm pháp luật

Theo các chuyên gia, để sử dụng hiệu quả mạng xã hội, các bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu sử dụng mạng xã hội, chọn lọc thông tin để không bị lôi kéo vào các hoạt động xấu, những hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn luật sư TP.HCM – chia sẻ câu chuyện: có thông tin thầy giáo hiếp dâm học sinh được đăng tải trên mạng. Nhiều người chưa kiểm chứng đã vội vàng chia sẻ, thậm chí lôi các thông tin về nhân thân, gia đình của thầy giáo ra để nói. Thế nhưng, khi cơ quan điều tra kết luận không có chuyện thầy giáo hiếp dâm, không một lời xin lỗi nào được đưa ra.

“Luật đã có quy định rõ mức xử phạt hành vi việc xúc phạm danh dự nhân phẩm, vu khống người khác trên mạng xã hội, nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị xúc phạm, vu khống có thể khởi kiện. Tuy nhiên mức xử phạt hiện nay còn khá nhẹ so với hậu quả gây ra nên chưa đủ sức răn đe. Bản thân người dùng mạng xã hội cũng ý thức, trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tự bảo vệ mình” – ông Chánh nói.

Ở góc độ bệnh lý học, bác sĩ Hồ Nhật Quang cho rằng có nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội, có nhiều trạng thái tiêu cực, phán xét người khác. Nghiện mạng xã hội là một loại bệnh lý, sử dụng quá nhiều gây ra bệnh hoang tưởng.

Khi sử dụng mạng xã hội không có chọn lọc, đề kháng, người sử dụng sẽ bị cuốn vào thể hiện cái tôi muốn nói gì nói, muốn chửi ai chửi. Đó là bệnh về cảm xúc, suy nghĩ, tạo ra sự hoang tưởng, nhận định không rõ ràng.

“Nếu nghiện mạng xã hội, người dùng cần cai bằng cách ngưng sử dụng một thời gian để quay lại lối sống, suy nghĩ thực tế, các mối quan hệ thực ngoài xã hội để xây dựng lại lối sống của mình” – ông Quang nói thêm.

Chú trọng chia sẻ những điều hay

Ở một góc nhìn khác về tiêu cực trên mạng xã hội, TS Lê Hoàng Việt Lâm – giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân – cho biết khi tham gia vào mạng xã hội sẽ tạo ra cho con người những cảm giác thỏa mãn, tạo nên giá trị ảo, ganh tị, ném đá…

Khi tham gia mạng xã hội cần tuân thủ những quy tắc nào?

Theo ông Lâm, nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng, tế nhị tôn trọng người khác bởi những gì chia sẽ trên mạng xã hội là một sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn.

Không nên và không cần thiết phải đăng tải hình ảnh của bản thân lên mạng xã hội.

Tuyệt đối không nên tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng.

Nhận diện và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, chú trọng chia sẻ những điều hay…

Minh Giảng/ Báo Tuổi trẻ. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *