Luật an ninh mạng đã có, nhưng văn bản hướng dẫn vẫn còn đang chờ. Tuy nhiên, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến những người vô cớ trở thành nạn nhân của các “anh hùng mạng” vẫn đang sống dở, chết dở.

Đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến nóng xung quanh mạng xã hội
Đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến nóng xung quanh mạng xã hội

Tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội” do báo Tiền Phong phối hợp với trường ĐH Mở TPHCM tổ chức ngày 29/10 thu hút nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia và sự quan tâm của giới trẻ.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh- Đoàn Luật sư TPHCM nêu lên một số vụ việc thực tế khi bị cư dân mạng phán xét trên mạng xã hội dù sự việc đang được các cơ quan chức năng xử lý. “Khi sự việc đã rõ ràng thì những cư dân mạng phán xét trước đó cũng không một lời xin lỗi nạn nhân và gia đình…”- luật sư Chánh nêu.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh
Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Hiện nay luật pháp cũng đã có những quy định, chế tài xử lý những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, hành vi bịa đặt, vu khống… Người bị hại cũng có quyền khởi kiện ra tòa.

Tuy nhiên, chế tài pháp luật vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Trong đó, cụ thể là những mức phạt vẫn còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra cho bị hại, từ đó không đủ sức răn đe. Còn chế tài về hình sự thì hiện nay vẫn còn rất khó xử lý bởi quy định còn chung chung và chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Để nâng cao ý thức mọi người sử dụng mạng xã hội thì cần thiết phải nâng cao các chế tài xử lý thì mới đủ sức răng đe. Ngoài ra, bản thân người dùng mạng xã hội cũng ý thức, trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tự bảo vệ mình”, luật sư Chánh cho hay.

Chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng
Chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng

Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc trung tâm an ninh mạng Althena, cho rằng hiện nay vấn đề quan trọng là cảnh báo rủi ro trên không gian mạng, đánh giá xu hướng, dự đoán người dùng trên mạng xã hội trong thời gian tới có những hành vi ra sao.

Ứng xử trên mạng xã hội là cần quản lý từng user, các tài khoản cần định danh và làm sao quản trị được những tài khoản nặc danh. “Trong quá trình giảng dạy, học tập thì các trường cần tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn sử dụng mạng xã hội cho thầy cô và các bạn sinh viên”- ông Thắng khuyến cáo.

Anh Trần Văn Trí, Bí thư Đoàn trường ĐH Mở TPHCM
Anh Trần Văn Trí, Bí thư Đoàn trường ĐH Mở TPHCM

Anh Trần Văn Trí, Bí thư Đoàn trường ĐH Mở TPHCM nói, với vai trò là tổ chức đoàn, thủ lĩnh thanh niên thì phong trào mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp đến từng đoàn viên. Điều này muốn đóng góp những điều tốt đẹp mỗi ngày để lan tỏa đến mọi đoàn viên. Trường cũng đã thành lập fanpage để chia sẻ những thông tin, những hoạt động của đoàn hội, cũng như thường xuyên đăng những câu chuyện đẹp, những hành động nhỏ nhưng giàu ý nghĩa…Đây cũng được xem là nơi mỗi đoàn viên của trường tham gia chia sẻ những điều tốt đẹp để mỗi ngày lan tỏa điều hay, điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Phát hiểu tại tạo đàm, ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng – Trưởng Ban đại diện Ban tuyên giáo Trung ương tại TPHCM cho rằng, truyền thông xã hội còn tồn tại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nhu cầu thông tin con người là vô hạn, những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay thì truyền thông xã hội ngày càng cần thiết, nguồn thông tin trong xã hội vô cùng phong phú và đa dạng, lợi ích từ các nhà mạng…

Ông Đặng Mạnh Trung chia sẻ tại buổi toạ đàm
Ông Đặng Mạnh Trung chia sẻ tại buổi toạ đàm

Xu hướng tham gia mạng xã hội hiện nay có thể chia làm 2 loại, đó là những nhóm tham gia chia sẻ thông tin, đóng góp những thông tin có ích hơn. Đây vẫn là nhóm chiếm phần lớn. Nhóm thứ 2 là nhóm có thể được xem là những động cơ, mục đích không rõ ràng, tham gia mạng xã hội với những thông tin đưa lên tiêu cực….Nhóm này cần bài trừ triệt để bởi nhóm 2 này mang rõ ý đồ chính trị khi tham gia mạng xã hội.

Nói về giải pháp trong giới trẻ, học sinh sinh viên hiện nay, ông Trung lưu ý, trước hết đó là bằng cách tự thân của người dùng mạng xã hội phải trang bị những kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho đúng đắn. Bản thân mỗi người phải tự rèn luyện đạo đức, biết chia sẻ nỗi đau của người, xây dựng một hình ảnh, một nhân cách sống bao dung nhân ái…Xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh, hiểu biết pháp luật…

Phải xem Đoàn thanh niên là một tổ chức giáo dục lý tưởng cho học sinh, sinh viên. Mỗi đoàn viên, hội viên phải là hạt nhân trong các hoạt động phong trào. Đoàn thanh niên cũng nên tổ chức nhiều hơn các hoạt động xã hội để mỗi đoàn viên tham gia vào rèn luyện bản thân.

Các đại biểu nhận hoa tại tọa đàm
Các đại biểu nhận hoa tại tọa đàm

Qua hơn 3 giờ đồng hồ trao đổi với nhiều ý kiến sôi nổi, tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trường trường ĐH Mở TPHCM chia sẻ, qua 3 chủ đề được thảo luận đã ghi nhận rất nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia. Hy vọng sau này sẽ tiếp tục có những tọa đàm hữu ích như vậy. Nhà trường đang tận dụng mạng xã hội để hướng đến những điều tích cực, thái độ của sinh viên ứng xử trên mạng xã hội. Chính sinh viên mới là người quyết định, định hướng mạng xã hội. “Sứ mạng của trường ĐH Mở TPHCM ngoài việc nghiên cứu, dạy dỗ sinh viên còn hướng đến phục vụ cộng đồng, chia sẻ kiến thức, kỹ năng với nhiều trường khác. Chúng ta cần truyền thông tích cực để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn” – PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.

VĂN MINH – UYÊN PHƯƠNG – NGÔ TÙNG | Theo Tiền Phong Online

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *