Tại bệnh viện hồ sơ bệnh án phải được lưu trữ theo cấp độ mật và chỉ được công khai khi bệnh nhân đồng ý.

Khi nào được công khai, tiếp cận hồ sơ bệnh án ?
Khi nào được công khai, tiếp cận hồ sơ bệnh án ?

Mới đây TAND Q.7 (TP.HCM) mở phiên tòa sơ thẩm, sau đó tạm dừng phiên xử đến ngày 23.9 sẽ xét xử lại vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại 1,3 tỉ đồng giữa nguyên đơn là Công ty Đ. (chủ sở hữu một bệnh viện) và bị đơn là bà C. Đáng lưu ý, bị đơn phản tố rằng nguyên đơn đã có hành vi tổ chức họp báo để công bố, công khai bệnh án của bà khi chưa được sự cho phép, làm ảnh hưởng đến danh dự của bản thân bà.

Chỉ được công khai khi bệnh nhân đồng ý

Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM), Điều 3 về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) quy định “tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh cho phép; cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản; sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở KBCB được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu…; CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần; LS được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép.

Cũng theo LS Chánh, Điều 8 luật KBCB cũng nêu người bệnh có quyền được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Thông tin liên quan này sẽ chỉ được công bố khi họ đồng ý.

Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo cấp độ mật

LS Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết, theo điểm a khoản 3 Điều 59 luật KBCB, hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Vì vậy, dù vì lý do gì, nếu bệnh viện không được sự đồng ý của bệnh nhân; không nằm trong trường hợp cho mượn, sao chép, cung cấp mà vẫn công bố là vi phạm đạo đức ngành y, vi phạm nguyên tắc hành nghề.

Theo một giảng viên Bộ môn y đức – pháp luật Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, hồ sơ bệnh án là hồ sơ bảo mật của ngành y tế. Bệnh nhân chỉ được cung cấp thông tin tóm tắt về tình hình sức khỏe bệnh tật, xét nghiệm, dinh dưỡng, riêng tư.

“Chỉ có 4 nhóm đối tượng được tiếp cận hồ sơ bệnh án: Thứ nhất là bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân. Thứ hai là những người tham gia điều trị qua hội chẩn. Thứ ba là những người làm công tác nghiên cứu khoa học có làm đơn đề nghị tiếp cận và phải cam kết giữ bảo mật. Cuối cùng là nhóm về tư pháp. Nhưng nhóm này muốn sao chép bệnh án cũng phải có công văn, văn bản đề nghị bệnh viện. Tùy trường hợp mà giám đốc bệnh viện quyết hoặc gửi hồ sơ lên cơ quan quản lý cấp trên cung cấp”, vị này thông tin. Cũng theo giảng viên này, hồ sơ bệnh án được cung cấp cho ngành tư pháp thì ngành tư pháp cũng phải bảo mật quyền riêng tư của bệnh nhân.

“Mục tiêu của luật là bảo mật thông tin cá nhân cho bệnh nhân, bởi hiến pháp có quy định bảo vệ đời tư của con người, quyền công dân. Một khi các bên vi phạm quyền riêng tư, quyền nhân thân thì họ có quyền khởi kiện đòi bồi thường, xin lỗi công khai… theo luật định”, vị giảng viên phân tích thêm.

Báo Thanh niên.

YÊU CẦU LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điện thoại: 028.6654.0777 - Email: info@dccounsel.vn
0917.555.253 (LS Thiên Thanh) - 0911.410.053 (LS Ngọc Trâm).
0912.454.342 (LS Mai Hạnh) - 0908.060.304 (LS Đức Chánh).
Văn phòng: Lầu 6, 99 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.

Đội ngũ luật sư DC Counsel thường xuyên đóng góp ý kiến pháp lý trên các báo điện tử lớn nhất Việt Nam và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng hợp tác.

 

Leave a Reply