Theo TS Lê Hồng Sơn- nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), Chủ tịch UBND TP Hà Nội không được quyền quyết định vấn đề “ghi âm, ghi hình phải xin phép” mà điều này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. “Tôi cho rằng văn bản hành chính cá biệt này được ban hành trái luật và vi hiến”- ông Sơn nói.

Như Dân trí đã thông tin, ngày 3/1 vừa qua Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố. Đáng chú ý, trong nội quy kèm theo có quy định: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” khiến dư luận đặc biệt quan tâm và nảy sinh nhiều quan điểm trái chiều.

 TS Lê Hồng Sơn từng ký rất nhiều quyết định "tuýt còi" văn bản trái luật do các bộ ngành, địa phương ban hành trước đây.
TS Lê Hồng Sơn từng ký rất nhiều quyết định “tuýt còi” văn bản trái luật do các bộ ngành, địa phương ban hành trước đây.

Văn bản hành chính cá biệt lại chứa quy phạm pháp luật

Trao đổi với PV Dân trí chiều 9/1, TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) phân tích, bản chất của Quyết định số 12 là văn bản hành chính cá biệt theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Theo đó, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không cho phép đưa quy phạm pháp luật vào văn bản hành chính cá biệt như Quyết định số 12 được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký duyệt.

“Trong văn bản quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý, tức là người dân chỉ được quay phim, chụp ảnh khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân. Vì vậy, đây là một loại quy phạm pháp luật xác định quyền của người dân có điều kiện. Người dân chỉ được thực hiện hành vi, thực hiện quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm của mình khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.” – ông Sơn phân tích.

Theo TS Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội không được quyền quyết định vấn đề “ghi âm, ghi hình phải xin phép” mà điều này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Nếu muốn, nội dung này phải do Quốc hội quyết định và quy định trong văn bản quy phạm pháp luật chứ không nằm trong nội quy kèm theo Quyết định số 12” – ông Sơn nói.

Trước lý giải của UBND TP Hà Nội về việc quy định nêu trên được ban hành nhằm chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến Trụ sở Tiếp công dân, dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung để phục vụ mục đích “không trong sáng”, ông Sơn cho rằng đây là lập luận mang tính chất “suy diễn quá đà”, bởi việc người dân ghi âm và việc người dân sử dụng nội dung đó làm gì là 2 việc hoàn toàn khác nhau.

“Đây là cơ quan công quyền được tổ chức, thành lập để tiếp người dân đến kiến nghị phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Anh đang thi hành công vụ nên không có quyền cấm người dân ghi âm, chụp hình hay quay phim được. Tính khách quan, tự nhiên của việc ghi âm, ghi hình sẽ mất đi khi cán bộ tiếp dân chủ động đồng ý” – ông Sơn cho hay.

Trụ sở Tiếp công dân thành phố Hà Nội.
Trụ sở Tiếp công dân thành phố Hà Nội.

Tương tự vụ “cấm người dân ghi hình CSGT”

Trường hợp này khiến ông Lê Hồng Sơn liên tưởng đến cấm ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ. Việc người dân cần quay, ghi lại trước hết là do họ muốn ghi lại, lưu lại hình ảnh, thông tin, hoặc có khi như một chứng cứ để giải quyết công việc tiếp theo của họ.

Cũng có khi người dân muốn ghi lại để phản ánh thông tin, hình ảnh về việc cán bộ tiếp dân vi phạm, hoặc ứng xử không chuẩn mực, cũng là lúc quyền của người dân bị xâm phạm nên ông Sơn nhận định, quy định buộc phải xin phép trước mới được ghi âm, ghi hình đưa ra không phù hợp.

“Hồi đó, chúng tôi đã nêu ý kiến rằng nếu CSGT thi hành nhiệm vụ đúng, có những hình ảnh đẹp, những tấm gương tốt thì người dân ghi lại để phản ánh, ca ngợi thì tại sao phải e ngại để rồi cấm đoán? Trong vụ việc này, tôi thấy cách giải thích của một số cán bộ mấy ngày gần đây chưa thực sự phù hợp và cũng đánh giá thấp vai trò, tính tích cực, thiện chí của người dân khi quay phim, chụp hình” – ông Sơn nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, theo nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, văn bản này còn nhiều điểm sai sót về tính chất, thể thức và nội dung của các quy định. Tại phần quy định chung nghiêm cấm công dân mang vũ khí, hung khí…, đã được quy định tại điều 6, Luật Tiếp công dân năm 2013.

Vì vậy, khi UBNDTP Hà Nội muốn cụ thể hóa các quy định tại Điều 6 cần viện dẫn điều luật và đưa ra các biện pháp bảo đảm, xử lý sẽ làm cho văn bản không bị “trùng mà vẫn thiếu”.

“Tôi cho rằng văn bản hành chính cá biệt này được ban hành trái luật và vi hiến. Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luận cần phải tổ chức kiểm tra, xem xét tính hợp hiến, hợp pháp và lên tiếng ngay về nội dung của Quyết định số 12. Không nên để công luận xôn xao, hoang mang dễ làm mất niềm tin của người dân” – ông Sơn nêu quan điểm.

Nguyễn Trường | Theo Dân Trí Online