Thu ngân sách của Việt Nam mới chỉ đủ để chi trả cho hoạt động thường xuyên và trả nợ. Như vậy, toàn bộ nguồn vốn cho hoạt động đầu tư phát triển gần như phải đi vay. Do đó, ngân sách của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt. Việt Nam lại đã và đang chủ động tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), dẫn đến thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có xu hướng giảm dần do phải giảm thuế xuất nhập khẩu.

Thu ngân sách của Việt Nam mới chỉ đủ để chi trả cho hoạt động thường xuyên và trả nợ. Ảnh: THÀNH HOA
Thu ngân sách của Việt Nam mới chỉ đủ để chi trả cho hoạt động thường xuyên và trả nợ. Ảnh: THÀNH HOA

Trước tình hình đó, trong thời gian qua, Bộ Tài chính có nhiều động thái nhằm tăng thu ngân sách thông qua các đề xuất/dự thảo về tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% hay tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít.

Từ phía dư luận, có hai lý do không ủng hộ cho quan điểm tăng thuế suất của Bộ Tài chính. Thứ nhất, tăng thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa, từ đó tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong khi đó, kiểm soát lạm phát lại đang là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay. Mặc dù tác động trực tiếp từ việc tăng thuế môi trường là không lớn, khoảng 0,07-0,09% như tính toán của Bộ Tài chính, nhưng theo tính toán của các chuyên gia thì mức độ ảnh hưởng tới lạm phát sẽ lớn hơn nhiều vì xăng dầu là yếu tố đầu vào để sản xuất ra rất nhiều mặt hàng khác. Thứ hai, tăng thuế sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng lên, từ đó có thể cản trở đến sức tiêu thụ hàng hóa của người dân hay nói cách khác là giảm sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Ở một khía cạnh khác, hàng hóa của Việt Nam có thể sẽ kém cạnh tranh về giá so với hàng hóa nhập khẩu.

Thật ra tăng hay không tăng thuế ở thời điểm này thì đều có quan điểm ủng hộ và không ủng hộ. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn có cách giải quyết khác trong bối cảnh thu ngân sách cũng đang được cải thiện.

Thứ nhất, đó là việc cần thiết và quyết liệt mở rộng cơ sở thuế. Hiện nay, theo ước tính một cách chủ quan của người viết, vẫn còn rất nhiều dư địa để Việt Nam mở rộng cơ sở thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân. Với nhiều cá nhân, hộ kinh doanh, đặc biệt ở những tỉnh còn chưa phát triển, vấn đề kê khai thu nhập và nộp thuế vẫn còn bất cập. Ngoài ra, thu thuế giá trị gia tăng cũng là một vấn đề rất lớn. Việt Nam vẫn là quốc gia tiền mặt, do đó, rất nhiều hoạt động sản xuất, buôn bán ở quy mô nhỏ vẫn chưa được đưa vào diện phải nộp thuế.

Thứ hai, đó là vấn đề chống thất thu thuế. Mặc dù rất khó để ước tính được quy mô và mức độ thất thu thuế ở Việt Nam hiện nay ra sao nhưng gần như có thể khẳng định con số này không hề nhỏ. Bởi lẽ, các quy định của pháp luật về việc kê khai và nộp thuế ở Việt Nam nói chung vẫn còn rất nhiều kẽ hở. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ phía chính một bộ phận cán bộ ngành thuế có hành vi tiếp tay cho hoạt động trốn thuế.

Những giải pháp trên rõ ràng là vô cùng khó để thực hiện và cũng không thể triển khai trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu triển khai được thì hoạt động thu thuế cho ngân sách sẽ rất bền vững. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những cân nhắc rất kỹ để có cả các giải pháp ngắn hạn và dài hạn liên quan đến vấn đề thu thuế, nhằm vừa đảm bảo cho sự an toàn của ngân sách vừa tránh được những ảnh hưởng trực tiếp, đột ngột đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của cả nền kinh tế.

Ngọc Khanh | Theo TheSaigontimes.vn

Bài khác nên xem: