Từ những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, trong đó có nhiều vụ được xác định lỗi do tài xế như uống rượu bia, sử dụng ma túy…, nhiều người cho rằng cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của chủ xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
- Vụ xe container gây tai nạn Long An: Tài xế đối mặt với mức án thế nào?
- Phanh gấp tránh tai nạn, ô tô bị đâm liên hoàn, ai đền ai?
Đồng thời với việc bổ sung các quy định pháp luật, cần phải có giải pháp, cơ chế để giám sát được thời gian làm việc của các tài xế. Đánh giá, giám sát được chất lượng của việc khám sức khỏe định kỳ cho tài xế. – Bà Nguyễn Thị Chúc Linh
Ngoài những việc mà chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải có thể làm được ngay như phải đảm bảo sức khỏe cho tài xế bằng việc khám sức khỏe định kỳ; kiểm tra, kiểm soát kỹ tài xế có nghi vấn sử dụng ma túy, uống rượu bia…, thực tế còn đặt ra những đòi hỏi về mặt pháp lý.
Có thể bị xử lý hình sự
Đối với việc khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe, theo điều 11, thông tư liên tịch số 24, người sử dụng lao động lái xe ôtô có trách nhiệm sử dụng lái xe bảo đảm sức khỏe theo quy định, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe, thực hiện việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đột xuất, quản lý và theo dõi sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của lái xe.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), quy định việc khám sức khỏe khi tuyển dụng người lao động là cần thiết, sau đó việc khám định kỳ phải được thực hiện ít nhất 6 tháng một lần.
Còn theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp chủ xe biết rõ tài xế không đủ điều kiện như không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi, đang trong tình trạng có sử dụng rượu bia, chất ma túy, chất kích thích… mà vẫn điều động người đó lái xe, gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị xử lý hình sự.
“Trên thực tế, người sử dụng lao động là lái xe ôtô cũng khó phát hiện vì không thể theo sát các tài xế, nhất là những người chạy tuyến đường dài. Việc tuân thủ quy định, không sử dụng chất kích thích, rượu bia… khi lái xe là ý thức, trách nhiệm của mỗi tài xế” – ông Chánh phân tích.
Chủ xe phải kiểm tra, kiểm soát kỹ
Nói về việc quản lý, tuyển dụng tài xế, chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết việc tuyển chọn “đầu vào” tài xế trước hết hồ sơ phải đầy đủ, quan trọng nhất là giấy khám sức khỏe và trong đó bắt buộc phải kiểm tra heroin. Việc khám sức khỏe và heroin phải tiến hành 6 tháng 1 lần. “Việc kiểm tra này bằng mắt thường chứ mình không phải công an nên không đo chính xác được nồng độ cồn. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế của chúng tôi nhìn bằng mắt thường cũng có thể biết được ai đã uống rượu hay đã sử dụng ma túy” – vị này nói.
Chủ doanh nghiệp này cũng cho biết trước mỗi ca làm việc công ty đều kiểm tra về đồng phục, kỹ thuật, xe cộ đối với từng xe, từng tài xế. “Bên cạnh đó, quản lý đội sát sao với anh em nên anh nào có biểu hiện gì là biết ngay”, vị này cho biết.
Có trường hợp trong quá trình đi làm tài xế có uống bia rượu, đi đám cưới, đám tang…, tuy nhiên doanh nghiệp có lực lượng thanh tra kiểm soát trên đường bằng xe máy, nếu thanh tra bắt gặp tài xế tụ tập nhậu nhẹt sẽ chụp hình lại để xử lý, hiệu quả không được 100% nhưng cũng hạn chế được nhiều.
Về “đầu vào” tuyển tài xế, theo kinh nghiệm của doanh nghiệp này, khi ký hợp đồng lao động tài xế phải cam kết với công ty không uống bia rượu khi lái xe, không nghiện ma túy… và hội đồng kỷ luật sẽ xử lý nặng đối với những trường hợp vi phạm. Ngoài ra công ty còn kiểm tra tài xế qua phản ảnh của khách hàng, đối tác.
“Ngay từ bước tuyển dụng đào tạo doanh nghiệp đã huấn luyện cho tài xế tối thiểu 1 tuần và sau 1 năm sẽ tổ chức nhiều khóa đào tạo kỹ năng, tái đào tạo hằng năm. Ngoài ra, công ty có camera theo dõi, app theo dõi, GPS, thanh tra… có thể biết được xe có chạy hay không, tốc độ của xe… để chấn chỉnh cho phù hợp” – vị này chia sẻ.
Về giải pháp, luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng để chủ xe nâng cao hơn ý thức trách nhiệm của mình, Nhà nước cần đưa quy định cụ thể nếu chủ xe phát hiện tài xế nghiện rượu bia, có sử dụng ma túy hoặc chất kích thích khác khi chuẩn bị hoặc lái xe (chưa gây ra hậu quả), chủ xe có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với tài xế này, để tránh gây ra hậu quả về sau.
Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể tiêu chí khám sức khỏe trong khi tuyển chọn tài xế, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản thì cần bắt buộc xét nghiệm máu, nước tiểu để phát hiện có ma túy, chất kích thích với tài xế.
Những đòi hỏi về mặt pháp lý
Theo bà Nguyễn Thị Chúc Linh – thẩm tra viên của TAND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, yêu cầu xử lý doanh nghiệp vận tải là mong muốn của nhiều người. Tuy nhiên, lật lại các quy định pháp luật thì thấy khó có thể xử lý nghiêm khắc chủ doanh nghiệp khi sử dụng tài xế không đủ điều kiện như trong vụ tai nạn ở Long An.
Cụ thể, theo bà Linh, về chế tài hành chính, nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có quy định về xử phạt tổ chức kinh doanh vận tải khi “không khám sức khỏe định kỳ cho tài xế’’ mức cao nhất là 4 triệu đồng. Ngoài ra không quy định hành vi vi phạm nào khác phù hợp với tình huống trên.
Về mặt dân sự, điều 597 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, nếu tài xế gây tai nạn thì doanh nghiệp phải bồi thường. Sau đó có quyền yêu cầu tài xế trả lại một khoản tiền theo quy định, cuối cùng người gây tai nạn vẫn phải hoàn trả tiền bồi thường cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ở góc độ pháp luật hình sự thì không có điều luật về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong trường hợp này. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được nêu rõ tại điều 76 của Bộ luật hình sự 2015, theo đó pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội về xâm phạm an toàn giao thông quy định tại các điều từ 260 đến 284.
Như vậy, trong vụ tai nạn trên muốn xử lý nghiêm chủ xe cũng chưa có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện.
Thực tế này đặt ra những đòi hỏi về mặt pháp lý đối với các cơ quan lập pháp. Bởi lẽ việc quy định rõ ràng, cụ thể hành vi vi phạm và chế tài nghiêm khắc đối với chủ doanh nghiệp hay chủ sở hữu phương tiện vận tải sẽ tạo cơ chế quản lý tốt hơn chất lượng tài xế tham gia giao thông, hạn chế việc sử dụng tài xế tùy tiện, thúc đẩy việc tuyển chọn và sử dụng tài xế đúng quy định pháp luật. Từ đó giảm bớt được các vụ tai nạn thương tâm.
Thiếu tướng Phan Anh Minh (phó giám đốc Công an TP.HCM):
Chủ xe phải có trách nhiệm
Bàn về vấn đề này, thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng phải siết chặt quản lý chủ xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc sử dụng lao động. Bởi hiện nay chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm dân sự chứ không chịu trách nhiệm hình sự khi tài xế gây tai nạn.
Ông Minh mong muốn pháp luật sớm bổ sung sửa đổi nhằm xử lý hình sự chủ xe, doanh nghiệp vận tải khi có những dấu hiệu ép tài xế rơi vào tình thế gây ra tai nạn. Chẳng hạn ép tài xế chở quá tải, biết tài xế sử dụng ma túy nhưng vẫn cho lái xe, ép tài xế chạy quá tốc độ để quay vòng vận chuyển…
TUYẾT MAI – HOÀNG ĐIỆP – BAN MAI | Theo Tuổi trẻ online
[gravityform id="1" title="true" description="true"]
CÁC DỊCH VỤ PHÁP LÝ DO DC COUNSEL CUNG CẤP
Các dịch vụ do đội ngũ luật sư và cộng sự nhiều kinh nghiệm thực hiện
LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
DỊCH VỤ PHÁP LÝ
LUẬT SƯ TRANH TỤNG