Chính phủ cho rằng Luật Quy hoạch sau một thời gian triển khai có những hạn chế. Một số đại biểu Quốc hội lại nói lỗi ở Chính phủ khi chậm ban hành nghị định hướng dẫn.

Chiều 4/6, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp “ngoài giờ” để xem xét dự thảo “Nghị quyết thi hành luật Quy hoạch”. Dự thảo mới được Chính phủ gấp rút trình tới Quốc hội với mong muốn xử lý những vấn đề bất cập trong việc thi hành luật thời gian qua.

“Lỗi” của Luật Quy hoạch cũng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội, thậm chí gây tranh luận trong nghị trường.

Bộ, ngành và địa phương than thở về Luật Quy hoạch

Từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực vào 1/1/2019, nhiều địa phương và bộ ngành đã bắt đầu cảm nhận sự khó khăn khi thực thi. Điển hình là Bộ Xây dựng, Công Thương và Giao thông vận tải.

Trong một văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng “than” rằng gặp nhiều vướng mắc trong việc lập, phê duyệt quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng.

Cụ thể, Bộ này kể ra việc quy hoạch hệ thống nông thôn, đô thị… chưa thể tổ chức lập và phê duyệt vì phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia (theo yêu cầu của Luật Quy hoạch). Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa hoàn thành.

Bộ Xây dựng “than khó” về việc khó điều chỉnh quy hoạch đô thị. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng nêu bất cập khi nhiều dự án điện mặt trời có nhà đầu tư nhưng không nằm trong quy hoạch, vẫn không được cấp chủ trương đầu tư.

Bộ này cho biết đã tiếp nhận đề xuất của khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW. Tuy nhiên, số lượng này lại vượt quá quy hoạch điện 7 đã được phê duyệt. Theo Luật Quy hoạch mới thì ngành điện chỉ còn quy hoạch điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Do đó, Bộ Công Thương thắc mắc việc bổ sung các dự án vào quy hoạch có được hay không, và thẩm quyền phê duyệt là ai.

Phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 nhưng tồn tại nhiều bất cập, khiến rất nhiều dự án liên quan phải tạm dừng.

“Thực trạng của Luật Quy hoạch có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế đất nước, làm cho nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động”, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình phát biểu.

Luật quy hoạch có lỗi hay không?

Trong tờ trình mà Chính phủ “gấp rút” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có đánh giá các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai và các quy định pháp luật có liên quan.

Theo Chính phủ, hiện có một số quy hoạch đã được lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt. Theo quy định của Luật Quy hoạch thì phải thực hiện theo cách khác, dẫn đến mất nhiều thời gian.

“Như vậy, nếu phải tổ chức lập, thẩm định lại sẽ lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian lập quy hoạch”, Chính phủ nêu trong tờ trình gửi Quốc hội.

Ngoài ra, Chính phủ cho rằng quy định của luật hiện hành không cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, dẫn đến không bảo đảm sự linh hoạt trong quá trình điều hành của các địa phương.

“Trong giai đoạn cuối của kỳ quy hoạch hiện nay, sẽ khó khăn trong việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch các dự án đầu tư cấp bách”, Chính phủ nêu.

Một bất cập cũng được tờ trình của Chính phủ chỉ ra là từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực ngày 1/1/2019, quy định liên quan đến các quy hoạch tại các luật chuyên ngành cũng đồng thời hết hiệu lực. Từ đây khiến không còn căn cứ pháp lý để thực hiện các quy hoạch này.

Chính phủ “than khó” nhưng nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình. Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho rằng luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Để chuẩn bị, Quốc hội đã tính đến thời gian chuyển tiếp khá dài cho Chính phủ chuẩn bị.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh. Ảnh: Minh Quân.

“Riêng các hoạt động lập, thẩm định quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được triển khai từ ngày 1/3/2018”, ông nói. Đại biểu này cho rằng “lỗi” của Luật Quy hoạch là do Chính phủ chậm ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều để thi hành luật. Cụ thể, ngày 7/5 Chính phủ mới ban hành nghị định.

“Vì chưa có nghị định trên, các quy hoạch không thể triển khai được. Đây là nguyên nhân chính và là nguyên nhân duy nhất khiến luật này chưa thể đi vào thực hiện”, ông Sinh khẳng định.

Trước những ý kiến cho rằng Luật Quy hoạch có vướng mắc khiến nhiều dự án không thể triển khai, ông Sinh đề nghị Chính phủ báo cáo rõ những vướng mắc ở nội dung nào, điều luật nào.

Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng cần cẩn trọng khi hoãn thi hành một số điều Luật Quy hoạch đã nói. Khi đó, rất có thể các điều đã được Luật sửa và điều chỉnh sẽ “mất tác dụng”.

Trao đổi với Zing.vn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cái khó của Luật Quy hoạch hiện nay chính và vấn đề chuyển tiếp, tương thích với các quy hoạch hiện hành.

Ông cho biết Chính phủ đang tháo gỡ từng khâu một cách cẩn trọng, song song với đẩy nhanh xây dựng quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, việc tháo gỡ cũng cần cẩn trọng để các quy hoạch không bị phá vỡ trong thời gian này.

Hiếu Công | Theo Zing News

YÊU CẦU LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điện thoại: 028.6654.0777 - Email: info@dccounsel.vn
0917.555.253 (LS Thiên Thanh) - 0911.410.053 (LS Ngọc Trâm).
0912.454.342 (LS Mai Hạnh) - 0908.060.304 (LS Đức Chánh).
Văn phòng: Lầu 6, 99 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.

Đội ngũ luật sư DC Counsel thường xuyên đóng góp ý kiến pháp lý trên các báo điện tử lớn nhất Việt Nam và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng hợp tác.

 

Leave a Reply