Đèn pin phóng điện tự vệ rất nguy hiểm được rao bán công khai; mặc dù vậy pháp luật chưa quy định rõ là có được phép sử dụng hay không.

Có được tự ý sử dụng đèn pin phóng điện tự vệ?
Có được tự ý sử dụng đèn pin phóng điện tự vệ?

Thời gian gần đây, đèn pin phóng điện tự vệ được rao bán công khai nhiều trên mạng xã hội. Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc là họ hay đi làm về khuya, liệu có được mua loại đèn pin phóng điện này đem theo người để phòng thân hay không.

Đèn Pin phóng điện được rao bán công khai

Phần lớn các trang quảng cáo đây là loại đèn pin có độ siêu sáng có thể làm lóa mắt người đối diện, có thể phát ra luồng điện trên 2.000 kV. Luồng điện của loại đèn pin phóng điện này khi chạm vào người khác thì đủ sức hạ gục ngay một người trưởng thành.

Theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì “công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp”. Chỉ có người thực thi công vụ và người được cấp phép cho sử dụng thì mới được sử dụng công cụ hỗ trợ.

Luật này cũng quy định công cụ hỗ trợ gồm nhiều loại, trong đó có súng bắn điện (điểm a khoản 11 Điều 3), dùi cui điện (điểm d khoản 11 Điều 3), công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự…

Theo đó, “công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự” là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ là dùi cui điện, súng bắn điện…

Tuy nhiên, luật chưa quy định rõ đèn pin phóng điện tự vệ có phải là công cụ hỗ trợ hay không.

Một số đèn pin phóng điện tự vệ được rao bán trên mạng. Ảnh: VH
Một số đèn pin phóng điện tự vệ được rao bán trên mạng. Ảnh: VH

Cần đưa đèn pin phóng điện vào luật quy định

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội), loại đèn pin phóng điện đang được rao bán có chức năng tương tự như dùi cui điện. Do đó, nó phải được xem là công cụ hỗ trợ. Cá nhân không được phép tàng trữ, sở hữu, sử dụng dùi cui điện; ai muốn sử dụng thì phải có giấy phép.

Hiện nay, do tình hình phát triển của công nghệ, các quy định pháp luật điều chỉnh không theo kịp tình hình xã hội. Vì thế, cần phải kiến nghị đưa đèn pin phóng điện vào danh mục công cụ hỗ trợ tại Thông tư 16/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư Đồng Nai) thì cho rằng theo quy định hiện hành thì đèn pin phóng điện chưa được quy định là công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, vì tính chất nguy hiểm của nó như dùi cui điện, cần kiến nghị đưa loại đèn pin này vào Thông tư 16 như là một công cụ hỗ trợ để quản lý theo luật.

Tuy nhiên, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng căn cứ câu chữ của luật thì có thể hiểu đèn pin phóng điện là “công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự”, tức đó là một loại công cụ hỗ trợ.

Theo LS Nguyễn Đức Chánh, hành vi mua bán, tàng trữ công cụ hỗ trợ không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật. Theo điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013 thì hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Nếu người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 306 BLHS hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt công cụ hỗ trợ theo Điều 306 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Cần phải giám định mới kiểm tra, xử lý được

Trung tá Nguyễn Minh Thơ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 Công an TP.HCM), cho biết trong quá trình làm việc, ông đã từng nghe và biết đến loại đèn pin phóng điện tự vệ. Tuy nhiên, loại này chưa được trang cấp để sử dụng trong ngành công an.

Trung tá Thơ thừa nhận hiện nay trên mạng đang bán tràn lan mặt hàng này nhưng việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Vì vậy cần phải dùng biện pháp nghiệp vụ của ngành để phối hợp kiểm tra, xử lý.

Trung tá Thơ nhìn nhận Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có nhắc đến một dạng công cụ hỗ trợ là “công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự”. Tuy nhiên, đèn pin phóng điện tự vệ có được xem là có tính năng, tác dụng tương tự công cụ hỗ trợ hay không thì phải được tập hợp để gửi đi giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.

LÊ THOA – VŨ HỘI  | Theo Pháp Luật TP.HCM (PLO.VN)

Bài khác nên xem: