Hôm 10-7, nhiều đại biểu cho rằng “điểm nghẽn” phát triển KT-XH của TP hiện nay là chưa xử lý được các vướng mắc liên quan kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng.

'Mắc kẹt' vì kết luận về sai phạm đất đai ở Đà Nẵng
‘Mắc kẹt’ vì kết luận về sai phạm đất đai ở Đà Nẵng

Đại biểu (ĐB) Lê Xuân Hòa, Phó ban Pháp chế HĐND TP đề nghị UBND TP kiến nghị Thanh tra Chính phủ (TTCP) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ các dự án, khơi thông dòng vốn đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Vì sao dừng giao dịch đất sản xuất, kinh doanh?

Theo ĐB Lê Xuân Hòa, hiện TP đã thực hiện nghiêm túc 5 nội dung của kết luận 2852 để khắc phục sai phạm được nêu ra, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đó là quy định pháp luật về đất đai thay đổi qua từng thời kỳ, nhất là sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, một số nội dung kết luận đã không còn phù hợp với luật hiện hành. Việc thực hiện kết luận của TTCP chưa tạo được sự đồng thuận, và trên thực tế ảnh hưởng rất lớn tâm lý của các nhà đầu tư, tiến độ dự án, dòng vốn đầu tư cũng như tốc độ tăng trưởng của TP trong thời gian qua.

Cũng liên quan đến kết luận 2852, ông Lê Minh Trung, phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị UBND TP xử lý về giao dịch liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất, kinh doanh (50 năm) nhưng TP cấp với thời hạn lâu dài.

Theo ông Trung ngày 24-11-2016, Văn phòng Đăng ký đất đai có công văn số 236 yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng ngừng giao dịch đối với đất sản xuất, kinh doanh (50 năm) mà TP đã cấp với thời hạn lâu dài để hướng dẫn công dân đính chính thời hạn sử dụng đất.

Hiện nay, TP vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc điều chỉnh thời hạn sử dụng đất (đang báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện kết luận 2852). Do đó, đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở TN-MT kiểm tra, tham mưu UBND TP ban hành văn bản đúng thẩm quyền.

Theo đó phải công khai cụ thể từng trường hợp tạm thời chưa được giao dịch theo kết luận 2852 để các tổ chức hành nghề công chứng có cơ sở pháp lý để từ chối giải quyết hoặc giải quyết cho công dân, tổ chức, tránh trường hợp lợi dụng gây “khó khăn’ làm ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng đất đối với cá nhân, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không dám đầu tư

Ông Phạm Bắc Bình, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng nói: hiện không phải những dự án bị thanh tra mà tất cả các dự án đất đai đều đang được rà soát sai phạm, sai sót đều đóng băng hết, không ai có thể làm được gì.

“Những vụ việc này ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý doanh nghiệp và giờ doanh nghiệp rất e dè. Từng dự nhiều cuộc họp do TP tổ chức, tôi cũng chia sẻ những vấn đề doanh nghiệp kiến nghị trong kết luận TTCP, nhưng cũng thấy rằng việc giải quyết nằm ngoài khả năng của TP.

Bởi những sai phạm được thanh tra thuộc trách nhiệm của nhiều đời lãnh đạo TP trước đây, và kéo dài rất lâu đến nay. Nhiều cuộc gặp gỡ, doanh nghiệp kiến nghị, TP cũng đã đề nghị đến Quốc hội, Chính phủ xử lý như thế nào cho hợp tình, hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghệp nhưng đến giờ cũng chưa gỡ được, giờ các doanh nghiệp vẫn chờ đợi” – ông Bình nói.

Theo ông Bình, hiện nhiều doanh nghiệp rất lúng túng, không biết bám vào đâu nữa. Hiệp hội cũng đề nghị TP nên tôn trọng các doanh nghiệp khi người ta đã đầu tư làm ăn ở TP.

Những doanh nghiệp thực sự đầu tư bằng công sức và tiền của một cách chính đáng thì phải được đối xử công bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, vừa bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp, vừa thực thi pháp luật cho đúng.

“Chính quyền TP nhiệm kỳ này phải giải quyết cái sai của nhiệm kỳ trước, doanh nghiệp cũng phải cùng chia sẻ nhưng doanh nghiệp chịu tới đâu cũng phải được công bố. Tôi biết chính quyền đang phân loại, xử lý từng cái vướng chứ một chính sách không thể áp dụng tất cả dự án”- ông Bình nói.

Còn ông Hà Đức Hùng, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, hai năm nay các vụ việc thanh tra, điều tra xảy ra ở TP Đà Nẵng đã làm tâm lý chung doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cộng đồng doanh nghiệp đã thấu hiểu và chia sẻ với chính quyền TP.

“Nhiều công việc đầu tư của doanh nghiệp bị kẹt lại, mệt mỏi. Một số doanh nghiệp có kế hoạch, chiến lược phát triển đầu tư kinh doanh đành phải lùi lại chờ đợi, mất cơ hội kinh doanh và rủi ro cao.

Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị, lãnh đạo TP cũng lắng nghe rất tốt, ghi nhận và đã có sự thay đổi nhất định nhưng có nhiều vướng mắc về chính sách, quy định pháp luật vượt tầm khả năng giải quyết của TP” – ông Hùng nói.

Những thắc mắc trên, sẽ được chính quyền TP Đà Nẵng giải trình trong phiên bế mạc hôm qua 11-7

HỮU KHÁ – VIỆT HÙNG/ Tuổi Trẻ.

YÊU CẦU LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điện thoại: 028.6654.0777 - Email: info@dccounsel.vn
0917.555.253 (LS Thiên Thanh) - 0911.410.053 (LS Ngọc Trâm).
0912.454.342 (LS Mai Hạnh) - 0908.060.304 (LS Đức Chánh).
Văn phòng: Lầu 6, 99 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.

Đội ngũ luật sư DC Counsel thường xuyên đóng góp ý kiến pháp lý trên các báo điện tử lớn nhất Việt Nam và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng hợp tác.

 

Leave a Reply