Trong khi các địa phương khác nhiều vụ mua bán USD trái phép, niêm yết giá bằng ngoại tệ đã bị xử lý thì tại TP.HCM, giao dịch mua bán USD khá thoải mái. Rất ít vụ vi phạm các quy định về ngoại hối bị xử lý. Nguyên nhân vì sao?

Hiện nay các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng đều được cấp phép thu đổi ngoại tệ. Trong ảnh là giao dịch USD tại ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hiện nay các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng đều được cấp phép thu đổi ngoại tệ. Trong ảnh là giao dịch USD tại ngân hàng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do… quy định.

Phải chuyển lòng vòng để xử lý được

Cụ thể, theo ông Minh, theo nghị định 96 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chỉ xử phạt vi phạm với những đơn vị do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Với những đối tượng khác, nếu phát hiện, cơ quan công an có thể lập biên bản vi phạm nhưng hiện họ chỉ được phép lập biên bản ghi nhận sự việc, sau đó chuyển qua cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tại TP.HCM (Cục 2). Sau đó Cục 2 lại phải chuyển thông tin cho Cục thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội. Quy trình nhiều bước như vậy dẫn đến hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Đây chính là lỗ hổng rất lớn khiến suốt thời gian qua nhiều tiệm vàng tại TP.HCM không được cấp phép mua bán ngoại tệ nhưng vẫn thực hiện thu đổi ngoại tệ trái phép, trong khi cơ quan công an dù phát hiện vi phạm nhưng không xử lý được.

Còn tại các tỉnh khác, trừ Hà Nội và TP.HCM, cơ quan thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nên quy trình xử lý được đẩy nhanh hơn.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với các sở ban ngành hữu quan trên địa bàn TP.HCM diễn ra mới đây, thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM, cũng đã nêu ra thực trạng này và kiến nghị cần sửa đổi để tăng cường quản lý trong lĩnh vực ngoại hối.

“Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã tham mưu với UBND TP.HCM để nơi này kiến nghị lên Chính phủ theo hướng cho phép bổ sung quy định cho phép lực lượng công an có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.

Tiệm vàng thận trọng hơn

Trong khi đó theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sau thông tin xử phạt vụ mua bán 100 USD tại Cần Thơ gây chấn động dư luận, các tiệm vàng và đại lý thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM phản ứng khác nhau.

Ví dụ tiệm vàng Mi Hồng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh), đồng thời là đại lý thu đổi ngoại tệ đã tuân thủ khá nghiêm quy định. Theo đó, nơi này chỉ thu đổi USD của người dân có nhu cầu chứ không bán USD.

Trong khi đó, các tiệm vàng khác có nơi đổi nơi không. Một chủ tiệm vàng bên hông chợ Tân Định (Q.1) vẫn báo giá đổi USD khi khách có nhu cầu dù không thấy treo biển đại lý thu đổi cũng như tên ngân hàng ủy nhiệm – dấu hiệu để nhận biết đại lý thu đổi ngoại tệ hợp pháp.

Một chủ một tiệm vàng tại Q.8 cho hay từ khi có thông tin về vụ xử phạt đổi ngoại tệ trái quy định tại Cần Thơ, ông chỉ dám đổi USD cho người quen, người thân và bạn bè.

“Còn lại khách lạ tôi chỉ sang ngân hàng gần đó để đổi cho chắc ăn. Biết là hơi bất tiện cho khách hàng nhưng thực tế đổi 100 USD lời không bao nhiêu mà mức xử phạt quá lớn, cộng với nhiều hệ lụy khiến tôi chùn tay”, chủ tiệm vàng này nói.

Bà Hiền (Q.Bình Thạnh) thường được con ở nước ngoài gửi tiền về hằng tháng để dưỡng già cũng tỏ ra lo lắng.

“Tôi hay đổi ở tiệm vàng quen ở Q.1, nay nghe quy định xử phạt này cũng rất lo. Cách tốt nhất là vào ngân hàng để đổi nhưng không thuận tiện bằng đổi ở ngoài vì NH chỉ làm việc giờ hành chính, cuối tuần nghỉ và phải trình CMND cũng như ký giấy yêu cầu bán USD. Người dân chúng tôi cũng muốn tuân thủ pháp luật, nhưng cần tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi”, bà Hiền nói.

Các chuyên gia cho rằng nên sửa nghị định 96, đặc biệt là về mức xử phạt với người vi phạm. Ảnh minh hoạ giao dịch USD tại ngân hàng. Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Các chuyên gia cho rằng nên sửa nghị định 96, đặc biệt là về mức xử phạt với người vi phạm. Ảnh minh hoạ giao dịch USD tại ngân hàng. Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng từ sự việc vừa qua, nên xem xét sửa nghị định 96 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ vì có nhiều điểm bất hợp lý.

Nên sửa nghị định 96 

“Nghị định 96 ra đời vào năm 2014 là năm thị trường ngoại hối có nhiều biến động, do vậy cần biện pháp mạnh để chấn chỉnh, còn hiện nay tình hình đã khác. Mặt khác, nghị định 96 chỉ có duy nhất một mức phạt cho hành vi mua bán USD trái phép với mức từ 80-100 triệu đồng. Cơ quan chức năng thường lấy mức trung bình là 90 triệu đồng. Đây là mức rất cao. Nên quy định nhiều mức ứng với mức độ, tính chất, quy mô sai phạm, cố ý hay vô tình”, ông Lực kiến nghị.

Liên quan đến vướng mắc về quy trình xử lý tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM khiến cho việc xử phạt các vi phạm ngoại hối khó khăn, ông Lực cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi để đưa thị trường vào khuôn khổ.

Chuyên gia Bùi Quang Tín cũng đồng tình với ý kiến này khi cho rằng áp dụng pháp luật thì phải dựa vào những yếu tố khác như mức độ, hành vi vi phạm, tác động của hành vi đó đến thị trường, đến xã hội như thế nào chứ không nên cứng nhắc.

“Ngoài ra cũng nên tăng cường tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp hiểu các chính sách, quy định liên quan đến quản lý ngoại hối, đặc biệt các biện pháp chế tài”, ông Tín nói.

A.HỒNG | Theo Tuổi trẻ Online

Bài khác nên xem: