Đó là ý kiến của ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại hội nghị chuyên đề một số vấn đề về ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại các tỉnh, thành phía Nam do Viện KSND cấp cao tại TP.HCM tổ chức.

Giá đền bù thường thấp hơn giá thị trường

Tại hội nghị, ông Trần Văn Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết Đồng Nai là một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp, diện tích đất bị thu hồi rất lớn.

Tình hình quản lý đất đai ở phía Nam khác phía Bắc ở chỗ miền Bắc tính sử dụng ổn định lâu dài từ lâu, còn ở miền Nam, người dân khai hoang, khai phá về ở nên việc cấp giấy cũng có nhiều sai sót, trùng lặp.

“Chúng tôi cố gắng xử lý ngay khi người dân có ý kiến, không để đến mức ra tòa án. Nếu UBND tỉnh sai thì uy tín chính trị của hệ thống giảm. Đồng Nai có trên 1 triệu người có đạo, đông nhất cả nước, nếu làm không tốt có thể bị lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động, hậu quả rất lớn” – ông Vĩnh nói.

Khi khiếu kiện đất đai kéo dài sẽ làm người dân bức xúc và dễ bị kích động, lợi dụng
Khi khiếu kiện đất đai kéo dài sẽ làm người dân bức xúc và dễ bị kích động, lợi dụng

Theo ông Vĩnh, từ khâu xã, phường, ấp, tổ dân phố khi đi kiểm kê, đo đạc phải công khai, trình tự thủ tục chuẩn xác chặt chẽ từ đầu. Nếu người dân có ý kiến thì phải giải thích rõ ngay từ đầu, tránh phát sinh khiếu kiện và tránh sai sót về trình tự, thủ tục, hồ sơ. Bộ phận văn phòng trước khi trình cho người phụ trách ký phải rà soát thật kỹ căn cứ pháp luật.

Về thẩm quyền cũng phải làm chặt chẽ, đưa đánh giá công vụ, trách nhiệm công chức, viên chức vào việc này. Nếu tham mưu không đúng, bị phê bình 2-3 lần thì bị đánh giá cuối năm về trách nhiệm công vụ.

Về vấn đề đền bù, tái định cư, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng tỉnh Đồng Nai yêu cầu các khu vực có dự án thì không tập trung tái định cư vào một vị trí, mà người ở đâu thì tái định cư ở khu vực đó, đi xa sẽ phát sinh khiếu nại. Còn các dự án kinh doanh bất động sản thì yêu cầu chủ đầu tư phải bố trí tái định cư tại chỗ với diện tích thỏa đáng.

“Nếu xét số lượng, quyết định thu hồi đất ở Đồng Nai rất nhiều nhưng tỉ lệ bị khiếu nại, khiếu kiện là rất thấp. Hiện nay có dự án rất lớn ở Long Khánh với 5.000 hộ dân, trên 15.000 nhân khẩu. Những khiếu kiện chính đáng của dân phải được xử lý kịp thời, có tình có lý.

Ví dụ nhà đang có 1.000m2 đất thổ cư mà chỉ bố trí một suất tái định cư thì người dân không đồng tình, khiếu kiện ngay, đó là về tình. Những gia đình nhiều thế hệ nhưng chỉ là một hộ, bố trí một suất tái định cư thì cũng phải xem xét thêm suất tái định cư” – ông Vĩnh nói.

Một trong những khó khăn mà nhiều đại biểu thừa nhận là việc đền bù đất cho người dân, giá đền bù thấp hơn giá thị trường dẫn đến bức xúc, khiếu nại.

Trên thực tế việc định giá đất phải có quá trình, nhưng thường những thông tin chính thống về giá thì bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường vì khi đi công chứng giao dịch mua bán đất người dân thường hạ thấp giá trị xuống.

Trong khi bảng giá đất 5 năm HĐND mới thông qua một lần mà giá đất đầu năm với cuối năm đã khác nhau rất nhiều.

Chúng tôi đang lo lắng hai hiện tượng. Một là có một số đối tượng cò mồi, xưng là luật sư, khi có quyết định thu hồi đất thì đến gặp người dân, tạo đơn từ cho người dân ký vào, hứa hẹn “cứ để tôi đòi”, được thì chia, không được thì dân không mất gì. Hai là các thế lực phản động, nhằm vào các bất ổn, mà chủ yếu là khiếu kiện về đất đai, đưa thông tin không đúng. Vì vậy, những dự án lớn chúng tôi đưa qua công an tỉnh để phối hợp.

Ông Trần Văn Vĩnh

Cần khuyến khích việc thỏa thuận giá đền bù

Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Luật Đất đai 2013 tuy có ghi nhận người dân thuộc diện nhà nước thu hồi đất được quyền tham gia ý kiến đối với phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, không có bất cứ điều khoản nào quy định cơ quan nhà nước phải xem xét, điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp người dân không đồng thuận.

Để tháo gỡ một số vướng mắc, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM kiến nghị cần quy định theo hướng khuyến khích việc thỏa thuận giá đền bù giữa chủ dự án kinh tế và người sử dụng đất.

Trường hợp người sử dụng đất không đồng ý với giá đền bù có thể yêu cầu cơ quan định giá đất độc lập để xác định giá đất làm căn cứ tính đền bù.

Về giá đất, hiện nay giá đất ở các địa phương đều thấp hơn giá thực tế, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến án hành chính vì phần lớn khiếu kiện người dân liên quan đến giá bồi thường.

Để khắc phục vấn đề này, cần sửa đổi bổ sung theo hướng công nhận hai loại giá đất là giá đất Nhà nước và giá đất thị trường, giá thị trường để áp dụng trong bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.

Khung giá đất do Chính phủ ban hành nên quy định giá theo mục đích sử dụng để tránh cào bằng giữa các thửa đất cùng loại đất nhưng có mục đích sử dụng đất khác nhau.

Tuyết Mai – Tâm Lụa/ Báo Tuổi Trẻ.

YÊU CẦU LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điện thoại: 028.6654.0777 - Email: info@dccounsel.vn
0917.555.253 (LS Thiên Thanh) - 0911.410.053 (LS Ngọc Trâm).
0912.454.342 (LS Mai Hạnh) - 0908.060.304 (LS Đức Chánh).
Văn phòng: Lầu 6, 99 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.

Đội ngũ luật sư DC Counsel thường xuyên đóng góp ý kiến pháp lý trên các báo điện tử lớn nhất Việt Nam và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng hợp tác.

 

Leave a Reply