Nhìn vào những tấm gương các “hiệp sĩ” xả thân bắt cướp mà không đòi hỏi quyền lợi, có người cho rằng, cần đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự. Tuy nhiên sự việc 2 “hiệp sĩ” ở TPHCM bị cướp đâm tử vong, 3 “hiệp sĩ” bị thương tối 13.5 đã dấy lên câu hỏi lớn…

Cơ quan chức năng “chạy theo” “hiệp sĩ”

Mô hình “hiệp sĩ” xuất phát từ ý kiến của 1 nhóm sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM về thực tập tại Bình Dương khoảng năm 2003. Từ sáng kiến này, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh Bình Dương và Sở Tư pháp tỉnh này chọn xã Thuận Giao (nay là phường Thuận Giao thuộc thị xã Thuận An – Bình Dương) làm thí điểm với tên gọi “ Câu lạc bộ phòng chống tội phạm – CLB PCTP” để tuyên truyền, nâng cao trình độ pháp luật để người dân nắm, tố giác tội phạm.

Nhiều thanh niên các phường khác như phường Phú Hoà… đã hăng hái, tích cực đến mức theo dõi và bắt giữ tội phạm để giao cơ quan công an xử lý.

Việc những “Lục Vân Tiên” chỉ bằng lòng nhiệt huyết, không công cụ hỗ trợ, không lương nhưng dám xả thân bắt cướp đã khiến người dân cảm phục, phong cho họ “tước” “hiệp sĩ đường phố”. Bởi cảm phục, nhiều công ty, tổ chức và cá nhân đã tặng vật chất hoặc tự nguyện bỏ chi phí để nhờ các “hiệp sĩ” bảo vệ mình hoặc truy tìm giùm thủ phạm.

Trước tình hình này, năm 2006, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 203/2006 về quy chế tổ chức và hoạt động của CLB PCTP làm nền tảng để mô hình phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Mô hình này còn được nhiều tỉnh, thành học tập như Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh. Tại TPHCM, tháng 3.2016, trong hội nghị triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TPHCM, lãnh đạo TP đã yêu cầu Công an TP nghiên cứu đề xuất cơ chế hình thành, quản lý các CLB, đội, nhóm PCTP.

Trong khi cơ quan chức năng “nghiên cứu” thì hàng loạt nhóm “hiệp sĩ” đã thành lập theo từng địa bàn như nhóm “ hiệp sĩ” của Lâm Hiếu Long, của Nguyễn Văn Minh Tiến, của Nguyễn Văn Hoàng…

“Đánh cược” mạng sống

Còn nhớ 8 năm trước, năm 2010, “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh (CLB PCTP phường Phú Hòa – Bình Dương) đã tử nạn khi truy đuổi 1 nghi phạm. Tới năm 2011, người dân Bình Dương đã bàng hoàng trước việc Vũ Đức Tuấn (tức “Tuấn Chó”) đã đánh cả ôtô chở đồng bọn đến lò bánh mỳ chém trọng thương “hiệp sĩ” Nguyễn Tăng Tiên (Đội PCTP phường An Bình – Bình Dương), bởi anh bắt đồng bọn chúng giao công an. Tại TPHCM, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến cùng thành viên cũng không ít lần trọng thương do cướp kháng cự hoặc trả thù. “ Hiệp sĩ” Đinh Quang Vũ (đội săn bắt cướp TPHCM) truy đuổi 2 tên, bị chúng đâm 2 nhát dao phải nhập viện ngay trong đêm…

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TPHCM – bắt tội phạm như công an, nhưng “hiệp sĩ” không được đào tạo, được trang bị công cụ hỗ trợ và thẩm quyền bắt giữ. Cũng nghĩa là, nguy hiểm đến với họ cao hơn.

Mặt khác, quy định pháp luật hiện hành không thể hiện có “cơ chế và chế độ” nào với mô hình này cả. Loại hình “na ná” là lực lượng bảo vệ dân phố (BVDP) theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Cả hai khá giống nhau khi là người dân tình nguyện, cùng công việc tuyên truyền, giữ gìn ANTT, phát hiện tố giác và phối hợp công an bắt giữ tội phạm. Chỉ có cái khác: BVDP có được những chế độ mà “hiệp sĩ” không có như: Được trang bị công cụ hỗ trợ, chế độ trợ cấp, được nhà nước công nhận thương binh hay liệt sĩ.

Với quá nhiều “không” như vậy, “hiệp sĩ” như “ đánh bạc” với mạng sống mình, mà “ công cụ” duy nhất là lòng quả cảm, trượng nghĩa; nơi được ghi nhận là lòng người dân.

Nên hay không giữ mô hình?

Dù Bình Dương là cái nôi mô hình “ hiệp sĩ”, nơi hình thành chính sách có tính pháp lý để phát triển mô hình này, ngành công an Bình Dương cũng trăn trở câu hỏi trên từ năm 2011 với phân tích: Tỉnh nào cũng cần lực lượng quần chúng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTT. Tuy nhiên, nếu hàng trăm “hiệp sĩ” chỉ nghi ngờ mà đã bắt khẩn rồi giao thì công an không biết “ăn nói thế nào” với dân, khi tạm giữ mà không chứng minh được hành vi phạm tội. Hơn nữa, sự “hăng hái” quá của các “hiệp sĩ” dễ khiến công an bị “phá án non”. Tuy nhiên ngành công an đều có biểu dương khen thưởng các “ hiệp sĩ”. Điển hình, CLB Hiệp sĩ săn bắt cướp Bình Dương được nhận tới 47 bằng khen của các cơ quan, ban, ngành vì thành tích dũng cảm bắt cướp.

Đến giờ, giữ hay không mô hình này đang là 2 luồng ý kiến trái chiều. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, cần giữ và phát triển mô hình này. “Ở Việt Nam, do nhiều yếu tố, người dân chính là “ tai mắt” hiệu quả cho lực lượng công an. Nên giữ mô hình này, và chỉ khác là, nhà nước cần thay đổi, bổ sung chính sách pháp lý để bảo vệ họ như: Đưa họ vào lực lượng bảo vệ dân phố theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ để được huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ và hưởng các chính sách theo quy định”.

Còn luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty luật TNHH DC COUNSEL-TPHCM) thì nghiêng về việc không nên phát triển: “Mô hình này rất đáng khen ngợi nhưng không nên khuyến khích phát triển. Bởi lẽ, những người dân bình thường không được trang bị công cụ hỗ trợ, không được đào tạo nghiệp vụ, đuổi bắt hoặc đối phó với sự chống trả của các đối tượng phạm tội. Hơn nữa, đa phần các vụ này là truy đuổi tội phạm bằng xe máy, rất nguy hiểm tới tính mạng bản thân “hiệp sĩ” và những người tham gia giao thông. Để không xảy ra những hậu quả thương vong đáng tiếc thì cần thiết tăng cường lực lượng cảnh sát đủ để đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo “khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng”

Sáng 14.5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ đã có Công điện gửi UBND TPHCM, Bộ Công an chia buồn cùng gia đình các nạn nhân, đồng thời chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương nhóm “hiệp sĩ” đã sẵn sàng hy sinh thân mình, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố cũng như gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, thân nhân người bị nạn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu UBND TPHCM khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, có hình thức khen thưởng và hỗ trợ thích đáng, kịp thời đối với các nạn nhân và gia đình người bị nạn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Hành động của “Hiệp sĩ đường phố” là xả thân vì nghĩa lớn

Ngày 14.5, Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an – đã gửi thư thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc và tri ân tới gia đình và cá nhân những “Hiệp sĩ đường phố” đã hy sinh và bị thương. Bức thư có đoạn:

“Đây là hành động dũng cảm, nghĩa hiệp, sẵn sàng hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, là nhân tố tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần cùng với lực lượng Công an nhân dân bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc và tri ân tới gia đình và cá nhân những “Hiệp sĩ đường phố” đã hy sinh và bị thương; các anh đã dũng cảm, không quản hy sinh, thể hiện rõ tinh thần xả thân vì nghĩa lớn.

Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo, phối hợp với Công an TP.Hồ Chí Minh tổ chức truy bắt bằng được đối tượng gây án, củng cố hồ sơ, sớm đưa các đối tượng ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, vì an ninh tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

NGÔ NGUYÊN – THEO LAODONG.VN

YÊU CẦU LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điện thoại: 028.6654.0777 - Email: info@dccounsel.vn
0917.555.253 (LS Thiên Thanh) - 0911.410.053 (LS Ngọc Trâm).
0912.454.342 (LS Mai Hạnh) - 0908.060.304 (LS Đức Chánh).
Văn phòng: Lầu 6, 99 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.

Đội ngũ luật sư DC Counsel thường xuyên đóng góp ý kiến pháp lý trên các báo điện tử lớn nhất Việt Nam và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng hợp tác.