Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chính thức hưởng lợi thuế quan từ hiệp định CPTPP kể từ ngày 14/1/2019.

CPTPP sẽ có hiệu lực với Việt Nam sau 2 tháng, tức vào ngày 14/1/2019.
CPTPP sẽ có hiệu lực với Việt Nam sau 2 tháng, tức vào ngày 14/1/2019.

Việt Nam phê chuẩn Hiệp định vào ngày 12/11 và thông báo chính thức cho New Zealand (quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi và ghi chép tiến trình hiệp định) vào ngày 15/11. Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực với Việt Nam sau 2 tháng, tức vào ngày 14/1/2019.

Các dòng thuế quan đầu tiên của Việt Nam sẽ được cắt giảm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực (14/1/2019). Khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới các nước Nhật Bản, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Australia và Singapore được hưởng lợi theo đúng tiến trình. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ các nước trên xuất sang Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi thuế quan tương ứng kể từ thời điểm này.

6 nước đã thông qua CPTPP trước đó sẽ cắt giảm thuế quan lần đầu vào ngày 30/12. Ngày 1/1/2019, 5 nước gồm New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Australia và Singapore sẽ tiến hành cắt giảm thuế quan lần 2. Riêng Nhật Bản, lần cắt giảm thuế quan thứ 2 sẽ thực hiện vào ngày 1/4/2019 theo năm tài chính của nước này.

Với CPTPP, Việt Nam sẽ cắt giảm 10.000 dòng thuế quan về 0% theo lộ trình, cam kết đấu thầu công khai đối với hoạt động mua sắm công, cam kết bình đẳng trong đối xử với các doanh nghiệp Nhà nước.

Đồng thời CPTPP cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đặc biệt, CPTPP cam kết vấn đề về môi trường, thương mại điện tử. Theo hiệp định, các nhà cung cấp nước ngoài không cần phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Như vậy, theo ông Khanh, những tranh cãi trong Luật an ninh mạng sẽ được giải quyết trong Hiệp định CPTPP. “Cơ hội lớn nhất không phải mở cửa thị trường mà là cải cách thể chế”, ông Khanh cho biết.

Bên cạnh việc tận dụng cơ hội CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thế chế để mở rộng thị trường, quan trọng hơn, theo ông Khanh, doanh nghiệp phải tận dụng được thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang để mắt. “Chúng ta đang đứng trong đống vàng 90 triệu dân mà quên nó thì rất lãng phí”, ông Khanh nói.

“Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là thực thi vì thời gian không còn nhiều”, ông Khanh cho biết. Trong vòng 15 ngày kể từ khi Bộ Ngoại giao thông báo CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành chương trình hành động thực thi Hiệp định này.

Vị đại diện đoàn đàm phán cũng tiết lộ, Vương quốc Anh, Thái Lan, Colombia, Indonesia, Philipines, Hàn Quốc và một số nước đang quan tâm đến hiệp định này.

Các nước trong khối CPTPP đang có hai luồng quan điểm về việc tiếp tục kết nạp thêm thành viên song song với quá trình phê chuẩn hay phải hoàn thành phê chuẩn trước đó. Theo đánh giá của Phó Vụ trưởng Thương mại đa biên, Vương quốc Anh và Thái Lan là ứng cử viên lớn nhất cho CPTPP mở rộng. Nếu Brexit thành công, CPTPP là lựa chọn hàng đầu để Anh tham gia. Việt Nam cũng kỳ vọng lớn nhất vào quốc gia này.

Nguyễn Việt | Theo EnterNews

YÊU CẦU LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điện thoại: 028.6654.0777 - Email: info@dccounsel.vn
0917.555.253 (LS Thiên Thanh) - 0911.410.053 (LS Ngọc Trâm).
0912.454.342 (LS Mai Hạnh) - 0908.060.304 (LS Đức Chánh).
Văn phòng: Lầu 6, 99 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.

Đội ngũ luật sư DC Counsel thường xuyên đóng góp ý kiến pháp lý trên các báo điện tử lớn nhất Việt Nam và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng hợp tác.