Vệc quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch trước đó được yêu cầu chấn chỉnh. Các đồ án Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết phải được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử quyhoach.xaydung.gov.vn.

Bộ Xây dựng vừa ra công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc, cơ quan chuyên môn đăng tải các đồ án Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt cấp tỉnh, huyện lên Cổng thông tin điện tử quyhoach.xaydung.gov.vn.

Nội dung thông tin đăng tải trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bao gồm: Quyết định phê duyệt; Bản đồ hiện trạng; Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; Bản đồ quy hoạch sử dụng đất; Bản đồ giao thông; Bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật; Thuyết minh tóm tắt…

Hiện Cổng thông tin Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch đô thị Việt Nam đã được cơ quan quản lý cập nhật một số dữ liệu gồm quyết định, hình ảnh quy hoạch của các tỉnh.

Đồ án quy hoạch đất đai bắt buộc các tỉnh, thành phải công khai
Đồ án quy hoạch đất đai bắt buộc các tỉnh, thành phải công khai

Công văn được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 83 ngày 14/6/2019 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; Chỉ thị số 05 ngày 1/3/2019 của Thủ tướng về việc tăng cường chấn chỉnh việc quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Gần đây, một số thông tin về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch gây bức xúc. Chẳng hạn, trường hợp khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Ngoại giao đoàn, Nam Thăng Long (Ciputra)… được chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch bị hầu hết cư dân phản đối gay gắt. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần lượt ra văn bản chỉ đạo làm rõ sự việc.

Trước đó, hồi tháng 5, tại phiên Quốc hội nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết 2018, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra những vấn đề tồn đọng trong công tác quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai.

Cụ thể, Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) dẫn ví dụ theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Sau khi điều chỉnh, dự án luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng giảm diện tích cây xanh đồng thời các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất…

Đại biểu đoàn Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền cho rằng việc 1.390 dự án có điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần là để phục vụ lợi ích nhóm. Đối tượng hưởng lợi ích là chủ đầu tư và những người có liên quan.

Theo Lâm Tùng

Người đồng hành

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *