Nắm bắt được suy nghĩ “đổi đời” nhờ đi xuất khẩu lao động, ngày càng nhiều lao động có nhu cầu đi “xuất khẩu” và nhiều công ty xuất khẩu lao động ra đời, nhưng không ít trong số đó lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa đảo.

Xuất khẩu lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (hay còn gọi là xuất khẩu lao động) là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong đó, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ này phải có vốn pháp định là 05 tỷ đồng (theo Điều 3 Nghị định 126/2007/NĐ-CP) và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép.

Cụ thể, để được cấp Giấy phép, doanh nghiệp phải có đủ 04 điều kiện:

  • Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
  • Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc; nếu doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động này thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách;
  • Người lãnh đạo điều hành hoạt động phải có trình độ đại học trở lên và ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc lĩnh vực hợp tác, quan hệ quốc tế;
  • Có tiền ký quỹ 01 tỷ đồng (theo Điều 5 Nghị định 126/2007/NĐ-CP).

Quy định của pháp luật là vậy nhưng trên thực tế, hiếm có người lao động nào có thể nắm một cách chính xác, tường tận các thông tin về những doanh nghiệp này.

Có chăng người dân chỉ biết tìm hiểu qua quảng cáo, báo đài, trang web của chính công ty đó, thậm chí là truyền tai nhau với những lời mời chào, hứa hẹn hấp dẫn.

Công ty xuất khẩu lao động lừa đảo có cách nào để nhận biết ?
Công ty xuất khẩu lao động lừa đảo có cách nào để nhận biết ?

Dấu hiệu nhận biết công ty xuất khẩu lao động lừa đảo

Thứ nhất, không có Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Như đã phân tích ở trên, chỉ khi có Giấy phép hoạt động thì doanh nghiệp mới được đưa người lao động đi xuất khẩu. Trường hợp không được cấp phép mà vẫn thực hiện hoạt động này thì bị coi là vi phạm pháp luật.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, người lao động có thể dễ dàng tìm hiểu các thông tin này trên website của công ty.

Thứ hai, tiền môi giới phải trả vượt quá 01 tháng lương cho 01 năm hợp đồng

Thời gian làm việc của người lao động đi làm ở nước ngoài thường được tính theo năm và trước khi quyết định lựa chọn công việc cũng như nước tiếp nhận thì người lao động nên tìm hiểu cụ thể mức lương mà mình nhận được.

Đây không đơn giản là thu nhập mà còn là căn cứ để xác định các khoản chi phí người lao động phải trả cho doanh nghiệp.

Theo quy định tại phần II Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT- BLĐTBXH-BTC, mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá 01 tháng lương/người lao động cho một năm hợp đồng.

Trường hợp do yêu cầu của thị trường đòi hỏi mức tiền môi giới cao hơn thì sẽ thực hiện theo quyết định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (sau khi doanh nghiệp có báo cáo cụ thể).

Tiền lương (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương cơ bản theo hợp đồng không bao gồm tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác.

Lưu ý:

– Tiền môi giới không áp dụng với người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới.

– Doanh nghiệp không được thu tiền môi giới của người lao động đối với những thị trường hay hợp đồng mà bên đối tác nước ngoài không yêu cầu về tiền môi giới.

Thứ ba, tổng mức tiền dịch vụ tối đa phải nộp vượt quá 03 tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng

Tương tự như tiền môi giới, Thông tư liên tịch 16 cũng quy định cụ thể mức tiền dịch vụ người lao động phải nộp cho doanh nghiệp:

Mức trần tiền dịch vụ không quá 01 tháng lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá 03 tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng.

Tiền lương làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ được thực hiện như tiền lương làm căn cứ xác định mức tiền môi giới.

Thứ tư, tiền ký quỹ vượt quá 3.000 USD

Người lao động và doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận về việc ký quỹ theo ngành, nghề, nước tiếp nhận lao động với mức tiền ký quỹ không quá mức trần theo Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH:

TT

Thị trường

Ngành nghề

Mức trần tiền ký quỹ

1

Đài Loan

Công nhân nhà máy, xây dựng

1.000 USD

Giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe

800 USD

Thuyền viên tàu cá xa bờ

900 USD

Ngành nghề khác

1.000 USD

2

Malaysia

Mọi ngành nghề

300 USD

3

Nhật Bản

Thực tập sinh

3.000 USD

Thuyền viên trên tàu cá xa bờ, gần bờ và tàu vận tải

1.500 USD

4

Hàn Quốc

Thuyền viên trên tàu cá (gần bờ)

3.000 USD

Thuyền viên trên tàu cá xa bờ

1.500 USD

Lao động thẻ vàng, Visa E-7

3.000 USD

5

Brunei

Mọi ngành nghề

300 USD

6

Thái Lan

Mọi ngành nghề

300 USD

7

Lào

Mọi ngành nghề

300 USD

8

Macau

Mọi ngành nghề

500 USD

9

Ấn Độ

Mọi ngành nghề

600 USD

10

Maldives

Mọi ngành nghề

600 USD

11

Các nước khu vực Trung Đông (Ả Rập Xê Út, UAE, Kuwait, Barhain, Oman, Jordan, Cata, Iran, Iraq, Liban, Israel, Palestine, Yemen)

Mọi ngành nghề

800 USD

12

Các nước châu Phi

Mọi ngành nghề

1.000 USD

13

Australia và Newzealand

Mọi ngành nghề

2.000 USD

14

Italia

Mọi ngành nghề

2.000 USD

15

Phần Lan

Mọi ngành nghề

2.000 USD

16

Thụy Điển

Mọi ngành nghề

2.000 USD

17

Anh

Mọi ngành nghề

2.000 USD

18

Đức

Mọi ngành nghề

2.000 USD

19

Đan Mạch

Mọi ngành nghề

2.000 USD

20

Bồ Đào Nha

Mọi ngành nghề

2.000 USD

21

Malta

Mọi ngành nghề

1.500 USD

22

Czech

Mọi ngành nghề

1.500 USD

23

Slovakia

Mọi ngành nghề

1.500 USD

24

Ba Lan

Mọi ngành nghề

1.500 USD

25

Thổ Nhĩ Kỳ

Mọi ngành nghề

1.000 USD

26

Bungaria

Mọi ngành nghề

1.000 USD

27

Rumalia

Mọi ngành nghề

1.000 USD

28

Ukraina

Mọi ngành nghề

1.000 USD

29

Latvia

Mọi ngành nghề

1.000 USD

30

Cộng hòa Síp và Bắc Thổ Síp

Mọi ngành nghề

1.000 USD

31

Liên bang Nga

Mọi ngành nghề

1.000 USD

32

Belarusia

Mọi ngành nghề

1.000 USD

33

Các nước châu Mỹ

Mọi ngành nghề

2.000 USD

34

Các nước khác

Mọi ngành nghề

Tương đương giá trị 01 lượt vé máy bay từ nơi làm việc về Việt Nam

Nếu doanh nghiệp yêu cầu người lao động ký quỹ vượt số tiền nêu trên thì người lao động có quyền nghi ngờ và nên xem xét cẩn thận trước khi giao tiền cho doanh nghiệp.

Thứ năm, hứa hẹn một công việc với mức lương hấp dẫn ở nước ngoài

Thủ đoạn này thường được các công ty áp dụng với những lao động vùng sâu, vùng xa, bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin hoặc những người đang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế với mong muốn “đổi đời”.

Bằng nhiều thủ đoạn gian dối (lời nói, hành vi, minh chứng…), doanh nghiệp có thể vẽ ra một tương lai màu hồng khi người lao động làm việc ở nước ngoài.

Và với sự nhẹ dạ cả tin, nhiều người sẽ tin đó là thật mà tự nguyện xoay xở để nộp “phí”, trong khi công việc hay mức lương thực tế không được như vậy, thậm chí doanh nghiệp không có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động.

Do đó, nếu có nhu cầu xuất khẩu lao động thì người lao động cũng nên cân nhắc kĩ lưỡng khi nghe những lời mời chào, hứa hẹn hấp dẫn.

Trên đây chỉ là một số tiêu chí nhỏ để nhận diện doanh nghiệp xuất khẩu lao động có dấu hiệu lừa đảo hay không.

Hiện nay, do nhu cầu xuất khẩu lao động tăng cao dẫn đến việc xuất hiện nhiều biến tướng. Chính vì vậy, người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, nước tiếp nhận, công việc phải thực hiện và mức lương được nhận để tránh tổn hại cho bản thân và gia đình.

Thùy Linh/ Luatvietnam

YÊU CẦU LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điện thoại: 028.6654.0777 - Email: info@dccounsel.vn
0917.555.253 (LS Thiên Thanh) - 0911.410.053 (LS Ngọc Trâm).
0912.454.342 (LS Mai Hạnh) - 0908.060.304 (LS Đức Chánh).
Văn phòng: Lầu 6, 99 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.

Đội ngũ luật sư DC Counsel thường xuyên đóng góp ý kiến pháp lý trên các báo điện tử lớn nhất Việt Nam và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng hợp tác.

 

Leave a Reply