Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, mạo danh môi giới lợi dụng hình ảnh doanh nghiệp, thương hiệu của các dự án quy mô lớn và các chủ đầu tư uy tín. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã cảnh báo khách hàng cần cảnh giác và tìm hiểu rõ thông tin trước khi quyết định giao dịch.
- TP.HCM: Toàn cảnh bức tranh nhà ở giá dưới 1 tỷ đồng
- Điều kiện để Việt kiều mua nhà ở Việt Nam là gì?
Thời gian gần đây, tình trạng các đối tượng giả làm nhân viên bán hàng, tiếp thị sản phẩm bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều. Các đối tượng này thường sẽ tiếp cận khách hàng, dụ dỗ đặt cọc sau đó tìm cách bỏ trốn và đổ trách nhiệm cho doanh nghiệp bất động sản là chủ đầu tư.
Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu thật kĩ khi mua các dự án. Xem xét các giấy tờ pháp lí có liên quan và cần thiết phải đến địa điểm thực tế xây dựng công trình để chắc chắn không bị kẻ mạo danh lừa đảo.
Giả mạo nhân viên doanh nghiệp BĐS, hạ giá sản phẩm – gây nhiễu thị trường
Mới đây, Tập đoàn Đại Phúc đã có văn bản gửi báo chí phản ánh việc thời gian qua trên thị trường, đặc biệt là các website, mạng xã hội xuất hiện một số sàn môi giới lợi dụng hình ảnh, thương hiệu của các dự án quy mô lớn và các chủ đầu tư danh tiếng, hoạt động kinh doanh chân chính, hòng trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có dự án Khu đô thị Vạn Phúc.
Cụ thể, tháng 9/2018 vừa qua, Tập đoàn Đại Phúc ghi nhận một người tên Huyền, có hành vi giả mạo là nhân viên bán hàng dự án Khu đô thị Vạn Phúc (Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức TP.HCM) do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư.
Qua xác minh ban đầu, hình thức lừa đảo của đối tượng tên Huyền là khi khách hàng liên hệ, Huyền hứa hẹn ngày chủ nhật đến mở bán tại sân khấu Trống Đồng, quận 1. Nhưng khi khách hàng qua địa điểm trên thì Huyền gom khách hàng chở thẳng xuống Bình Dương hoặc vùng ngoại thành khác để bán đất nền.
Lãnh đạo Tập đoàn Đại Phúc khẳng định, Khu đô thị Vạn Phúc hoàn toàn không có nhân viên tên Huyền, đồng thời, Tập đoàn cũng không làm việc với bất kỳ một đơn vị môi giới bên ngoài nào với vai trò như một nhà phân phối độc quyền dự án cho đến thời điểm này. Các sản phẩm của Tập đoàn đại Phúc bán hiện chỉ có Công ty CP bất động sản Đại Phúc Land bán. Đồng thời, tất cả các buổi lễ mở bán dự án Khu Đô thị Vạn Phúc đều được doanh nghiệp mở bán tại chính dự án, không mở bán tại bất cứ địa điểm nào khác.
Cũng theo văn bản từ Tập đoàn Đại Phúc thì đáng nói, các đơn vị, cá nhân này tự xưng là nhà phân phối độc quyền của Tập đoàn Đại Phúc, đưa ra mức giá 12-13 triệu/m2 gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm, thương hiệu và uy tín của dự án Khu đô thị Vạn Phúc do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp BĐS liên tiếp bị mạo danh
Được biết, trong thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp địa ốc đã đăng thông tin cho biết mình bị giải mạo tên công ty, nhái thương hiệu dự án. Đơn cử như tháng 3/2018, Công ty Cổ phần địa ốc HimLam Land ra thông báo mình bị giả thương hiệu dự án Him Lam tại huyện Bình Chánh và doanh nghiệp này hiện không có dự án đất nền nào bán tại huyện Bình Chánh mang tên dự án Him Lam 2.
Một trường hợp khác liên quan đến việc mạo lừa đảo rơi vào Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (hay còn gọi là Tập đoàn Hưng Thịnh Corp). Cụ thể, cách đây không lâu, doanh nghiệp này cũng từng phải phát đi thông báo trên website cho biết Công ty này không có bất cứ liên quan gì tới Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Group (trụ sở tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân, TP HCM).
Thông báo trên đến từ vụ việc lùm xùm tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường (ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do Công ty Hưng Thịnh Group làm chủ đầu tư. Hàng trăm khách hàng mua đất nền tại dự án này đã kéo tới trụ sở Công ty Hưng Thịnh Group đòi lại tiền vì cho rằng chủ đầu tư không chịu giao nền đất đã bán.
Hệ luỵ, Tập đoàn Hưng Thịnh Corp dù không phải là chủ đầu tư của dự án trên nhưng cũng đã vị vạ lây bởi nhiều người lầm tưởng dự án tai tiếng trên là của Hưng Thịnh Corp. Vì thế, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều khi đối tượng xấu mạo danh.
Mạo danh doanh nghiệp môi giới, lừa đảo có thể bị xử lý hình sự
Hành vi lừa đảo, mạo danh môi giới hoặc một số sàn môi giới lợi dụng hình ảnh, thương hiệu của các dự án quy mô lớn và các chủ đầu tư danh tiếng, hoạt động kinh doanh chân chính, hòng trục lợi có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm.
Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị Online, Luật sư Trần Mai Hạnh – Công ty luật DC Counsel (thuộc đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp liên quan đến trách nhiệm dân sự. Đó là, doanh nghiệp có thể căn cứ vào Điều 592 Bộ luật dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Về trách nhiệm hành chính thì người mạo danh để lừa đảo có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đối với hành vi “Lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất”, với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Còn trường hợp đối tượng lừa đảo có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người dân, doanh nghiệp nên làm đơn tố giác để cơ quan điều tra tiến hành xác minh, xử lý theo quy định Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
HỒNG TRÂM – Báo Thế giới tiếp thị
[gravityform id="1" title="true" description="true"]
CÁC DỊCH VỤ PHÁP LÝ DO DC COUNSEL CUNG CẤP
Các dịch vụ do đội ngũ luật sư và cộng sự nhiều kinh nghiệm thực hiện
LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
DỊCH VỤ PHÁP LÝ
LUẬT SƯ TRANH TỤNG