Dư luận chưa kịp lắng xuống sau 231 cái tát ở Quảng Bình lại tiếp tục bùng lên phẫn nộ với “cái tát thứ 232” cũng chính từ nơi này…

Ngày 3/12, bà Phạm Thị Lệ Anh – hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình – xác nhận với báo chí rằng: sau khi xảy ra vụ việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy – giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2, phạt tát học sinh Hoàng Long Nhật 231 cái vì nghi nói tục, nhà trường đã yêu cầu 23 học sinh trong lớp trả lời tờ phiếu với gần 20 câu hỏi.

Theo đó, những câu hỏi này được phát đến tay học sinh ngày 24/11. Sau khi có câu trả lời của học sinh, hiệu trưởng đã có báo cáo gửi Phòng Giáo dục – đào tạo huyện Quảng Ninh. Sự việc tiếp tục gây sóng dư luận.

Cô hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh 
Cô hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh

Dư luận bức xúc và ngỡ ngàng vì “cái tát trời giáng” này không phải như 231 cái tát trong cơn nóng giận vì sức ép thành tích như cô giáo kia. Đấy là cái tát vào nhân cách của trẻ bằng sự man trá của chính những người dạy dỗ các em, sự coi thường pháp luật và bất chấp những người giám hộ.

Để tìm lý do biện hộ cho hành động phản giáo dục của giáo viên dưới quyền khi bắt học sinh tát bạn 230 cái và cô giáo ấy giáng nốt tát thứ 231, hiệu trưởng đã tổ chức “điều tra” học sinh bằng 19 câu hỏi như bản cung!? 23 học sinh lớp 6/2 của bạn bị tát 231 cái đến nỗi phải nhập viên buộc phải trả lời những câu hỏi cực kì khó chấp nhận với lứa tuổi các em. Chẳng hạn: “Khi tát bạn, cô có mặt ở lớp không? Em tát vào mặt bạn bao nhiêu cái? Em tát vào mặt bạn mạnh hay nhẹ? Sau khi bị tát, bạn có bị chảy máu không?”…

Các em còn phải ghi giới tính cùng họ tên đầy đủ của mình vào phiếu điều tra.Và cuối phiếu phải viết đầy đủ họ tên, ngày tháng và ghi rõ: “Lời khai của em…”! Những câu hỏi trên như bắt các em phải quay lại sự việc như một vết thương đối với chúng. Hành hạ thêm lần nữa tâm hồn trẻ thơ và tiếp tục đẩy học sinh vào nỗi sợ hãi, hoang mang, ám ảnh.

Tờ khai của một học sinh 
Tờ khai của một học sinh

Cho đến lúc này, họ và cả cấp trên đều biện minh rằng làm như thế chẳng có gì sai và để “tìm sự thật khách quan”. Sự thật nào với những câu hỏi mang tính chất “mớm cung” như thế? Khách quan gì khi 23 học sinh bị tập trung lại để tìm ra lời biện hộ cho hành động phản cảm của giáo viên chủ nhiệm các em? Công bằng ở đâu lúc những đứa trẻ như bị dọa nạt mà không có người giám hộ bên cạnh và không còn lựa chọn nào khác.

Ngay cả một đứa trẻ làm gì phạm pháp, dù chỉ là một bản cung hay lời tra khảo đều phải có người giám hộ theo cùng. Họ cứ tưởng là như vậy sẽ giảm bớt tội lỗi hay đỡ tai tiếng cho cái chuẩn quốc gia mà họ đang bất chấp mọi thứ để đạt được. Nhưng khi vỡ lở, điều tồi tệ ấy còn gây ra phẫn nộ hơn 231 cái tát trước vì có tính toán, không hề bộc phát và cố tình thực hiện cho bằng được để che giấu sự thật.

Những nhà giáo ấy còn xứng với danh xưng của mình? Ban Giám hiệu đó có đáng được cảm thông khi lấp liếm tồi tệ như thế? Chuẩn quốc gia họ hướng tới có phải là mục đích cao đẹp? Với những gì họ đã làm và đang phạm phải tôi nghi ngờ điều ấy. Tôi tin dư luận cũng vô cùng khó chấp nhận những gì mà mấy người đứng đầu ngôi trường tai tiếng ấy đã và đang làm.

Đã có lúc dư luận muốn thông cảm cho sức ép thành tích cùng những căn bệnh nan y của ngành giáo dục trong câu chuyện này. Đã có người đã định tặc lưỡi thôi thì bỏ qua cho cô giáo lỡ gây ra chuyện đó. Nhưng rồi như một vết thương không dám chữa chạy, khi bung bét ra với những điều xấu xí như trên thì chẳng còn mấy ai nghi ngờ về tính toán “chạy tội” của họ.

Tôi nghĩ dư luận cũng quá khắt khe và cay độc đến nỗi chẳng còn chỗ cho người lỡ phạm sai lầm quay lại. Nhưng cũng đừng trách nhiều người muốn công lý được thực thi, công bằng được lập lại và sự thật cần rõ ràng. Nếu không là vậy chúng ta chỉ cứu vớt tạm thời một vài nhà giáo hay ngôi trường nhưng lại góp phần phá hỏng cả tương lai hàng triệu đứa tẻ.

Trẻ em như tờ giấy trắng, sự việc trên không chỉ vấy bẩn, hằn sâu một vết đen trên ấy mà còn gây tổn thương lòng tin vào thầy cô của chúng. Rồi mai đây khi bất chợt nhớ lại 231 cái tát và đặc biệt là cái tát thứ 232, liệu trẻ có còn hồn nhiên “tôn sư trọng đạo” hay lấy đó để răn mình không nên làm những điều xấu? Dạy trẻ dối trá từ bây giờ, tôi không tin sự trung thực sẽ đến với chúng lúc bước vào đời hay các hành xử trong cuộc sống.

HÀ PHAN | Theo Thế Giới Tiếp Thị

Việc lấy lời khai của trẻ vị thanh niên phải có người giám hộ

Có thể nói cho dù mục đích của Ban giám hiệu nhà trường là để “nắm thông tin” thì phương pháp lấy thông tin cũng như các câu hỏi đặt ra là không đúng quy định. Vì những học sinh thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đang học lớp 6 (khoảng 13 tuổi), đây là lứa tuổi được xác định là trẻ em, theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em 1989 và Luật trẻ em Việt Nam 2016. Việc yêu cầu các em phải trả lời hàng loạt câu hỏi (gần 20 câu) với nội dung chi tiết như mức độ mạnh của tát, cô giáo đứng cùng chiều hay ngược chiều học sinh (người bị tát)… được xem là một dạng “điều tra”, hành vi này ở một mức độ mang tính cảm tính đã vi phạm quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ. 

Theo khoản 2 Điều 12 Công ước về quyền trẻ em quy định “Trẻ em phải được đặc biệt trao cơ hội nói lên ý kiến của mình (về những vấn đề)… có liên quan đến trẻ, trực tiếp hoặc thông qua một người đại diện hoặc một cơ quan thích hợp, theo cách thức phù hợp với những quy tắc thủ tục trong pháp luật quốc gia”. Theo quy định của khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 thì cha, mẹ là đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên. Như vậy, việc lấy ý kiến hay lấy lời khai của người chưa thành niên (người chưa đủ 18 tuổi) phải có mặt người đại diện theo pháp luật hoặc nguời giám hộ hợp pháp.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM)