Việc uống rượu, sử dụng ma túy mà vẫn lái xe rồi gây tai nạn phải chịu không chỉ trách nhiệm về hình sự mà còn phải chịu trách nhiệm về dân sự.
- Tai nạn giao thông thảm khốc: Trách nhiệm chủ xe đến đâu?
- Vụ xe container gây tai nạn Long An: Tài xế đối mặt với mức án thế nào?
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 15 giờ 20 ngày 2.1, xe container BS 62C – 043.48 kéo theo rơ moóc BS 62R – 001.08 do tài xế Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ H.Bến Lức) điều khiển đã tông thẳng vào 21 xe máy đang chờ đèn đỏ ở ngã tư Bình Nhựt (H.Bến Lức, Long An).
Hậu quả, 3 người chết tại chỗ, và 1 người chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An. 18 người bị thương được đưa đi cấp cứu (trong đó có nhiều người bị thương nặng) tại Bệnh viện đa khoa Bến Lức. Công an tỉnh Long An ngày 4.1 cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế Phạm Thành Hiếu để điều tra các vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Hành vi uống rượu, sử dụng ma túy khi lái xe gây tai nạn phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự thế nào?
Nồng độ cồn càng cao thì mức vi phạm càng nặng
Trả lời PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM), đánh giá đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, hậu quả rất lớn.
“Nếu xét theo quy định pháp luật hình sự hiện hành thì đã ở mức phạm tội cao nhất, tức hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự ở mức cao nhất của khung hình phạt mà tội danh này quy định. Theo đó vi phạm này được quy định tại điều 260 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù”, LS Công nói.
LS Công phân tích, theo thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông, tài xế Phạm Thành Hiếu dương tính với ma túy, có nồng độ cồn trong máu. Đây là những tình tiết thể hiện rõ về hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến gây thiệt hại về người và tài sản.
LS Công cho rằng để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế Hiếu thì cần phải xem xét các vấn đề như tình trạng sức khỏe ra sao vào thời điểm trước và trong khi lái xe. Khi điều khiển xe ô tô tham gia giao thông đường bộ mà người đó có nồng độ cồn đã là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008. Nồng độ cồn càng cao thì chế tài phải chịu càng tăng.
“Ngoài ra cũng phải xác định việc tài xế đã lách khỏi một xe tải khác để chuyển làn sau đó là xe lướt về phía trước khi gần tới vạch dừng đèn giao thông là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ dù tốc độ lưu thông của xe là không vượt quy định. Bởi vì lúc này, đoàn xe máy dừng đèn đỏ đã tồn tại nên làn đường đã không còn an toàn để xe container chuyển làn. Việc gây ra tai nạn trường hợp này sẽ bị xem xét về mức độ nghiêm trọng của hành vi”, LS Công nhấn mạnh.
Ngoài ra, LS Công cho rằng để xác định được hành vi vi phạm thì phải xác định tình trạng vận hành của xe có đảm bảo kỹ thuật thông qua việc xem xét thời gian kiểm định của xe ở thời điểm gần nhất cũng như xác định chủ sở hữu của xe. Nếu chủ sở hữu xe hoặc người có trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật xe giao cho người tài xế chiếc xe không đảm bảo an toàn khi lưu thông thì có khả năng bị truy cứu trách nhiệm pháp lý về hành vi “đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn” quy định tại Điều 262 BLHS với khu hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.
Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi của tài xế Hiếu ?
LS Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty luật TNHH DC Counsel) cho rằng, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một hoặc hai người trở lên người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên đến 121 %, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Theo LS Chánh, nếu phạm tội thuộc trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định hoặc lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng, thì khung hình phạt tù là từ 3 năm đến 10 năm.
Còn phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
LS Chánh còn cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
Như vậy, việc tài xế container bỏ khỏi hiện trường sau tai nạn và hơn 7 tiếng sau mới ra trình diện thì đã vi phạm trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khi xảy ra tai nạn.
Đối với tài sản bị thiệt hại trong vụ án, LS Nguyễn Thành Công nói thêm, xác định giá trị thiệt hại cũng là 1 phần trong việc áp mức trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân bên cạnh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe.
Nếu tài xế là người lái xe thuê thì chủ sở hữu xe phải có trách nhiệm đền bù trước các thiệt hại dân sự này rồi sau đó có thể đòi lại phần vật chất này từ tài xế.
Ngọc Lê | Theo Thanh Niên Online
[gravityform id="1" title="true" description="true"]
CÁC DỊCH VỤ PHÁP LÝ DO DC COUNSEL CUNG CẤP
Các dịch vụ do đội ngũ luật sư và cộng sự nhiều kinh nghiệm thực hiện
LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
DỊCH VỤ PHÁP LÝ
LUẬT SƯ TRANH TỤNG