“Tình trạng kẹp phong bì để giải quyết các hồ sơ thông quan không phải là không còn”, Thủ tướng nhắc tới tình trạng vẫn còn tồn tại chi phí không chính thức với doanh nghiệp Việt.
- [Infographic] Vì sao số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động 2018 tăng đột biến?
- Doanh nghiệp lách luật, không ký hợp đồng để tránh đóng BHXH
- 5 quy định trái pháp luật mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thường mắc phải
Tại Hội nghị Tổng kết ngành tài chính năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra chiều 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu chỉ đạo với việc đánh giá cao nỗ lực của ngành tài chính năm qua.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết vẫn còn những yếu kém cần phải được khắc phục ngay trong năm 2019.
Lượng lớn doanh nghiệp không muốn lớn
Theo Thủ tướng, thời gian qua vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu đồng bộ trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách thủ tục hành chính ở một số ngành. Các chính sách thiếu ổn định, hay sửa đổi gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác cắt giảm các điều kiện kinh doanh vẫn còn chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời.
“Người ta hay nói, phải chăng chính sách tài chính đang kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp như một số ý kiến đại biểu thảo luận trong tổng kết 10 năm Nghị quyết Trung ương về tam nông vừa qua”, Thủ tướng nói.
Lấy ví dụ về tình trạng này, Thủ tướng cho biết thông tư của Bộ Tài chính quy định một con bò do các trang trại chăn nuôi bán cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thì không phải chịu thuế VAT, nhưng bán cho cá nhân thì chịu thuế VAT lên tới 5%, trong khi luật và nghị định của Chính phủ không quy định điều này.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan phải nhất quán chính sách tài chính, hướng tới nông nghiệp, làm giàu cho nông dân.
Thủ tướng cũng nhắc tới việc lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình không muốn lớn mạnh. Nguyên nhân do việc chưa có chính sách tài chính thông thoáng và chế độ kế toán đơn giản.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết được nhiều bài toán nhất là vấn đề việc làm, công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ… Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phải cụ thể hóa được Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với chế độ kế toán đơn giản để khuyến khích thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này phát triển ngay trong năm 2019.
“Không thể để một lực lượng doanh nghiệp với tiềm năng phát triển to lớn lại không muốn lớn nhanh như thời gian qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Còn tình trạng kẹp phong bì để “bôi trơn”Thủ tướng cũng khẳng định hiện nay vẫn tồn tại lỗ hổng gây thất thoát về tài chính với nguồn lực từ đất và nước, môi trường. Vẫn còn tình trạng lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau và nguyên nhân dẫn tới tiêu cực, tham nhũng chính là từ đất đai không được quản lý tốt.
Thủ tướng yêu cầu ngay trong năm 2019 cần phải có một chính sách toàn diện về cơ chế liên quan tài chính, thủ tục đất đai sửa đổi một cách minh bạch nhất, rõ ràng nhất để chặt đứt lợi ích nhóm tại đây.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng tình trạng vi phạm chế độ quản lý, thu-chi ngân sách vẫn còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, vẫn còn dư luận về tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan. Nhũng nhiễu, chung chi, lợi ích nhóm gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng khẳng định các lãnh đạo của từng đơn vị phải đứng ra chịu trách nhiệm đầu tiên nếu còn để xảy ra tình trạng này.
“Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế và Hải quan có nhắc tới tiến bộ của ngành, nhưng tình trạng kẹp phong bì để giải quyết các hồ sơ thông quan không phải là không còn. Phải nói thẳng ở đây, để cán bộ các cục thuế, hải quan, các chi cục liên quan biết là Thủ tướng, Bộ trưởng, Tổng cục trưởng đều biết vụ việc này để chấn chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tình trạng tham nhũng vặt, và những chi phí không chính thức.
Dẫn báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Thủ tướng cho biết tuy tỷ lệ phải chi trả phí bôi trơn khi làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp năm 2017 đã giảm xuống 53% từ mức 56,4% năm 2016, nhưng đây vẫn là tỷ lệ rất cao.
“Thử tính toán 1 container thông quan nếu cần bôi trơn 1 triệu đồng thì 1 năm mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Chính những chi phí không chính thức này sẽ giết chết doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam mãi không lớn được, lý do cũng một phần do điều đó tạo ra cùng các khoản không chính thức khác”, Thủ tướng nói thêm.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định thủ tục hành chính ngành tài chính, xuất nhập khẩu, thuế… phải cải cách để không làm khó cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính phải có giải pháp xử lý điểm nghẽn ngay trong năm 2019 để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp kinh tế đất nước phát triển.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành phải đồng hành cùng doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội tới khi tham gia hội nhập quốc tế để “cơ hội không tự nhiên đến với doanh nghiệp và Chính phủ cũng không để doanh nghiệp đơn độc tìm kiếm cơ hội”.
Quang Thắng | Theo Zing News
[gravityform id="1" title="true" description="true"]
CÁC DỊCH VỤ PHÁP LÝ DO DC COUNSEL CUNG CẤP
Các dịch vụ do đội ngũ luật sư và cộng sự nhiều kinh nghiệm thực hiện
LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
DỊCH VỤ PHÁP LÝ
LUẬT SƯ TRANH TỤNG