Ngoài bị xử phạt, việc áp dụng chính sách lao động trái pháp luật còn khiến doanh nghiệp khó thu hút được nhân tài, khiến người lao động mất lòng tin, ảnh hưởng đến năng suất.
Chính sách nhân sự không chặt chẽ, không chuẩn hóa là một điểm yếu thường thấy tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Dù các nghĩa vụ và quyền hạn của người sử dụng lao động đã được quy định khá rõ ràng tại Bộ luật Lao động, nhiều doanh nghiệp vẫn đang áp dụng những chính sách “luật rừng” do nội bộ tự đặt ra, trong đó có nhiều điều khoản vi phạm quy định.
Dưới đây là 5 hành vi vi phạm luật lao động phổ biến mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường mắc phải.
Giữ bằng cấp (bản chính) của người lao động
Một số doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải nộp bằng cấp (bản chính) cho người sử dụng lao động để giữ chân, đe dọa người lao động trong trường hợp họ chống đối người sử dụng lao động.
Khoản 1 điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 nghiêm cấm hành vi “người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động”. Theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, hành vi này có thể bị xử phạt từ 20 đến 25 triệu đồng.
Buộc người lao động “đặt cọc” mới nhận vào làm
Chính sách buộc “đặt cọc” này thường được đặt ra nhằm mục đích buộc người lao động thực hiện đúng thỏa thuận với người sử dụng lao động. Nếu người lao động vi phạm, gây ra thiệt hại, khoản tiền này sẽ được lấy ra để đền bù tổn thất cho người sử dụng lao động. Đây cũng là một hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động năm 2012 nghiêm cấm hành vi “người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp đảm bảo bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”. Theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, hành vi này có thể bị xử phạt từ 20 đến 25 triệu đồng.
Trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu
Mức lương là vấn đề thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, tuy nhiên không thể thấp hơn mức quy định tối thiểu của pháp luật.
Khoản 1 điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định”. Doanh nghiệp có thể tham khảo mức lương tối thiểu hiện nay tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP. Theo khoản 4 điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 20 đến 75 triệu đồng nếu vi phạm quy định này.
Yêu cầu thời gian thử việc lâu hơn so với quy định
Quy định về thời gian thử việc được đặt ra nhằm kiểm tra trình độ và sự phù hợp của người lao động với vị trí cần tuyển. Trong thời gian này, doanh nghiệp chỉ phải chi trả tối thiểu 85% mức lương chính thức, cũng như không cần đáp ứng các lợi ích khác mà nhân viên chính thức được hưởng. Do đó, nhiều doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian thử việc nhằm tiết kiệm chi phí.
Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với công việc cần trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, 30 ngày đối với công việc cần trình độ chuyên môn từ trung cấp nghề, 6 ngày đối với công việc khác.
Hình thức xử lý kỷ luật bằng cách phạt tiền
Dù khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động năm 2012 đã cấm việc người sử dụng lao động dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Tuy nhiên, hình thức xử phạt này vẫn đang được áp dụng phổ biến tại nhiều doanh nghiệp.
Theo điểm b khoản 3 Điều 15 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi này sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
[gravityform id="1" title="true" description="true"]
CÁC DỊCH VỤ PHÁP LÝ DO DC COUNSEL CUNG CẤP
Các dịch vụ do đội ngũ luật sư và cộng sự nhiều kinh nghiệm thực hiện
LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
DỊCH VỤ PHÁP LÝ
LUẬT SƯ TRANH TỤNG