Năm 2018 là năm có kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng là năm đạt kỷ lục về lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, rời bỏ thị trường.
- [Infographic] Vì sao số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động 2018 tăng đột biến?
- Bình quân mỗi ngày có 360 doanh nghiệp thành lập mới
- Thủ tướng: Chi phí không chính thức sẽ ‘giết chết’ doanh nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, số lượng DN phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 cũng lên tới 90.651 DN, tăng 49,7% so với năm 2017. Trong đó, bao gồm 27.126 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 63.525 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể; 16.314 DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong số 63.525 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, có 44.730 DN ngừng hoạt động không đăng ký và 18.795 DN chờ giải thể.
Lý giải về tình trạng DN rời bỏ thị trường đạt mức kỷ lục, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đối với 18.795 DN chờ giải thể thì có 18.100 DN (chiếm tỷ lệ 96,3%) là những DN đã ngừng hoạt động từ những năm trước đây, được xếp vào tình trạng chờ giải thể sau khi cơ quan đăng ký kinh doanh, phối hợp cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan thực hiện kế hoạch rà soát, làm sạch dữ liệu trong năm 2018.
“Nếu trừ đi 18.100 DN chờ giải thể do hoạt động rà soát thì trong năm 2018 có 45.425 DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 16,9% so với năm 2017”, ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, có 44.730 DN ngừng hoạt động không đăng ký là các DN không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được. Danh sách này được xác định trên cơ sở thống nhất giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế. Đây là bộ phận DN thực tế đã ngừng hoạt động nhưng chưa tuân thủ quy định về giải thể, ngừng hoạt động.
Còn đối với 27.126 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, thường là để tái cơ cấu danh mục đầu tư hoặc tạm nghỉ trước khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, hoặc những DN hoạt động theo mùa vụ.
“Đa số các DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động, bằng chứng là, tại các kỳ báo cáo, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thường tương đương hoặc lớn hơn với số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, như năm 2018 có 34.010 DN quay lại hoạt động, nhiều hơn 6.884 DN so với số đăng ký tạm ngừng. Chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó không thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và sẽ thực hiện các bước thủ tục để chấm dứt hoạt động”, ông Tuấn cho biết thêm.
Như vậy, nếu trừ đi số lượng doanh nghiệp chờ giải thể do thực hiện việc rà soát, làm sạch dữ liệu đăng ký DN trong năm 2018 thì tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động tăng 22,3% so với năm 2017. Theo đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến DN rút lui khỏi thị trường như: DN chưa được trang bị kỹ càng trước khi gia nhập thị trường, những hạn chế cố hữu của DN nhỏ và vừa chưa được giải quyết căn bản, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp, môi trường kinh doanh mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những rào cản gây khó khăn cho DN…
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
“Trong số DN giải thể, ngừng hoạt động thì có đến 52.946 DN (chiếm gần 50%) có tuổi đời dưới 3 năm. Đa số các DN rút lui khỏi thị trường là các doanh nghiệp quy mô nhỏ với vốn dưới 10 tỷ đồng. Đây là nhóm DN có tính linh hoạt rất cao nhằm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường và cũng là khu vực có thể dễ dàng chuyển hướng kinh doanh khi gặp khó khăn”, ông Bùi Anh Tuấn lý giải.
Mặc dù năm 2018 ghi nhận số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động tương đối lớn, tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, năm 2018 cũng là năm thứ tư liên tiếp có số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử với 131.275 DN thành lập mới và số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng, tăng cả về số DN và số vốn đăng ký.
Bên cạnh DN thành lập mới, trong năm 2018 cũng có 34.010 DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm 2017 và cũng là mức cao nhất trong 5 năm qua.
“Số lượt doanh nghiệp đăng ký tăng vốn và số vốn tăng thêm là tín hiệu rõ ràng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh khi những doanh nghiệp đang hoạt động, đang thực tế trải nghiệm môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục bổ sung một lượng vốn lớn vào nền kinh tế”, ông Bùi Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với bức tranh DN như hiện nay thì mục tiêu có được 1 triệu DN hoạt động hiệu quả là một thách thức lớn.
Phó Thủ tướng cho rằng, để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, phải giảm 30-40% số lượng DN đã ngừng hoạt động và chờ giải thể bằng biện pháp thị trường, không dùng trợ giúp của Chính phủ. Hiện Chính phủ đã giao đề án chuyển hộ kinh doanh cá thể thành DN với các hỗ trợ tiện ích, đặc biệt chế độ kế toán đơn giản ghi thu ghi chi cho các DN siêu nhỏ và cho phép các đại lý thuế được tư vấn thuế cho DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh… để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang DN.
“Mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 là vô cùng thách thức nhưng không phải nhiệm vụ bất khả thi nếu chúng ta nỗ lực”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định./.
Cẩm Tú | Theo VOV
[gravityform id="1" title="true" description="true"]
CÁC DỊCH VỤ PHÁP LÝ DO DC COUNSEL CUNG CẤP
Các dịch vụ do đội ngũ luật sư và cộng sự nhiều kinh nghiệm thực hiện
LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
DỊCH VỤ PHÁP LÝ
LUẬT SƯ TRANH TỤNG