Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tính đến ngày 1/11, các bộ ngành đã cắt giảm 3.004 điều kiện kinh doanh đạt 97% mục tiêu đề ra là cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Trả lời đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) về kết quả cắt giảm các thủ tục trong kinh doanh và giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2018 theo Nghị quyết 01 đưa ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh, 50% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo Luật đầu tư, có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, rà soát 6.191 điều kiện kinh doanh. Nhiều điều kiện kinh doanh rất khó khăn cho gia nhập thị trường, giấy phép con, “giấy phép cháu, giấy phép chắt”.

Qua kiểm tra chuyên ngành có trên 100.000 ngành hàng, năm 2018 doanh nghiệp bỏ ra 28.800.000 công, tương đương 14.200 tỷ đồng nhưng chỉ phát hiện ra 0,06%, như vậy hiệu quả không đạt được.

Cũng theo ông Dũng, đến trưa nay 1/11/2018, các bộ ngành đã cắt giảm được 3.004 điều kiện kinh doanh, đạt 97% mục tiêu đề ra là cắt giảm 50% trên tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh. Hiện còn thiếu 3%, tương ứng với 92 điều kiện kinh doanh cần cắt giảm.

Một số bộ làm rất quyết liệt như Bộ Xây dựng cắt 183/215 điều kiện kinh doanh, vượt 35,12%; Bộ Y tế cắt 1.343 điều kiện kinh doanh, vượt 21,78%; Bộ Tài nguyên và môi trường vượt 12%, Bộ Giáo dục và đào tạo vượt 11%.

Thủ tục cắt giảm rất mạnh, chỉ 1 đơn vị kiểm soát, dồn cho 1 đơn vị.

Việc cắt giảm đã 6.776/9.926 dòng hàng kiểm tra. Theo báo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tiết kiệm 11 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu, trong đó 5,36 triệu bộ hồ sơ xuất khẩu, tiết kiệm giảm 3 giờ (từ 58 giờ xuống 55 giờ); tiết kiệm được 6 giờ của 5,72 triệu bộ hồ sơ nhập khẩu tổng tiết kiệm được 34 triệu giờ. Tiết kiệm 19 USD/lô hàng, như vậy tiết kiệm 200 triệu USD (trên 4.000 tỷ đồng), ông Dũng cho hay.

Trước đó, Bộ Công thương vừa ra quyết định ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2019 – 2020. Theo đó, bộ này tiếp tục là bộ đi đầu trong công cuộc cắt giảm giấy phép con với 202 điều kiện kinh doanh được cắt giảm trong đợt 2, nâng tổng số điều kiện được cắt giảm lên con số kỷ lục 877.

Bộ Xây dựng cũng đã bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ. Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35 % so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo chỉ thị.

Tuy nhiên, có thể thấy, bên cạnh các bộ ngành vượt chỉ tiêu đề ra trong việc cắt giảm giấy phép con, hiện vẫn còn nhiều bộ ngành chậm trễ. Do đó, mặc dù đã gần đạt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh như Chính phủ đề ra song hiệu quả của việc làm này ở từng bộ ngành, từng lĩnh vực lại chưa thực sự thực chất.

Riêng Bộ Thông tin và truyền thông mới cắt được 26/385 điều kiện kinh doanh, đạt 13%. Bộ Giao thông Vận tải mới cắt giảm được 109/570 điều kiện kinh doanh (19,12%).

Hiện vẫn còn đến 2.277 điều kiện kinh doanh đã lên phương án chưa cắt giảm được, thuộc trách nhiệm của các Bộ Tài chính, Thông tin và truyền thông, Giao thông vận tải, Khoa học và công nghệ, Y tế, Tư pháp.