Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng, Ban kỷ luật VFF bắt tiền vệ Huỳnh Tấn Tài của Long An trả “chi phí hợp lý” cho việc điều trị chấn thương của Dương Văn Hào là không hợp lý.
VTC News phỏng vấn luật sư Nguyễn Đức Chánh xung quanh án phạt của Ban kỷ luật VFF đối với Huỳnh Tấn Tài của Long An sau tình huống vào bóng dẫn đến chấn thương nặng của cầu thủ Dương Văn Hào (Viettel) tại giải hạng Nhất.
PV- Việc ban kỷ luật VFF bắt cầu thủ Huỳnh Tấn Tài phải chịu các chi phí hợp lý cho viêc chữa trị chấn thương cho cầu thủ Dương Văn Hào theo đúng Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN có vi phạm luật lao động không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Vấn đề không liên quan đến luật lao động vì luật lao động không có quy định trường hợp gây chấn thương cho người khác phải đền. Còn nếu theo đúng tinh thần của luật lao động thì doanh nghiệp, hoặc ông chủ thuê mình có trách nhiệm chịu bồi thường.
Thế nên tôi không xét chữ “luật” ở đây. Tôi từng làm việc với VFF, từng làm đại diện cho cầu thủ nên tôi biết ở trong tình huống này không nên nói đến “luật”.
Chúng ta chỉ nên xét tính hợp lý của vấn đề. Tôi không rõ thế giới quy định thế nào nhưng cách cách chúng ta đang làm theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp chắc chỉ Việt Nam có.
Trước đây, vụ Quế Ngọc Hải gây chấn thương cho Trần Anh Khoa do người ta bức xúc về hành vi của Hải mang tính chất bạo lực nên cho rằng phạt như thế là xác đáng. Tuy nhiên, với trường hợp của Tấn Tài thì phải thấy đây là môn thể thao mang tính chất đối kháng. Việc cầu thủ vô tình gây ra chấn thương cho đối phương rồi bị kỷ luật, phạt tiền, cấm thi đấu tôi có thể đồng ý nhưng bắt họ phải bỏ tiền túi ra chi trả “chi phí hợp lý” chữa trị cho cầu thủ chấn thương thì không hợp lý.
Rõ ràng người ta đã đẩy trách nhiệm về phía cầu thủ. Tôi đặt dấu hỏi về vai trò trách nhiệm của Ban tổ chức giải ở đâu? Anh đứng ra tổ chức giải, mua bảo hiểm cho cầu thủ rồi mà. Rồi trách nhiệm của CLB chủ quản nữa?
Trở lại với tính chất thể thao. Bây giờ chúng ta nghĩ mà xem, cầu thủ vào sân không chơi quyết liệt, không dám va chạm vì sợ lỡ vô tình gây ra chấn thương phải bồi thường thì có còn là tinh thần bóng đá không? Tất nhiên, ai đá xấu, đá láo, đá ẩu, không tôn trọng đôi chân đồng nghiệp là hành vi đáng nên án. Nhưng việc bắt người ta bồi thường khi vô tình gây ra chấn thương theo tôi là không hợp lý.
– Nếu Huỳnh Tấn Tài không thực hiện, VFF, VPF dựa vào đó để làm khó Tấn Tài, không cho thi đấu nữa, Tấn Tài có thể khởi kiện VFF, VPF ra toà án thể thao thế giới hay không?
Đây mới là quyết định của Ban kỷ luật VFF. Vẫn còn cơ chế về việc khiếu nại nằm ở Ban giải quyết khiếu nại VFF chỗ ông Chu Hồng Thanh.
Riêng chuyện cầu thủ có đưa vấn đề này lên Tòa án thể thao quốc tế CAS hay không là chuyện của cầu thủ. Nhưng tôi nghĩ không ai đưa lên vì chẳng đáng để đưa lên.
Một điểm nữa, nếu cầu thủ chống lại quyết định của VFF thì rõ ràng thiệt hại cho cầu thủ là đầu tiên. Đáng tiếc là thời điểm này, sau mười mấy năm chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có hiệp hội bảo vệ cầu thủ, chẳng ai lên tiếng giúp họ.
– VPF đã ký hợp đồng với đơn vị bảo hiểm PTI. Về mặt nguyên tắc, có những phương án nào chi trả cho trường hợp này?
Nếu có bảo hiểm, nguyên tắc đầu tiên là bảo hiểm trả trước. Phần còn lại mà không đủ lúc đó mới là cầu thủ trả.
Trường hợp này hoàn toàn có thể. Đáng tiếc là trong thông cáo báo chí về xử phạt Huỳnh Tuấn Tài, VFF đưa ra không nêu điều này.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, ngay cả khi bảo hiểm đứng ra chi trả mà chưa đủ, bắt cầu thủ chi trả phần còn lại vẫn rất thiệt thòi cho cầu thủ. Không ai muốn gây ra chấn thương cho đối phương cả. Cầu thủ phải bỏ tiền từ mồ hôi, công sức, nỗ lực tập luyện của mình cho tai nạn nghề nghiệp là điều bất hợp lý.
– V-League là một giải đấu chuyên nghiệp, hà cớ gì lại quy trách nhiệm đền tiền thuốc cho đối thủ như phạt vạ, bắt đền kiểu giải đấu làng?
Chúng ta mang danh chuyên nghiệp thôi. Còn nhiều việc chúng ta không chuyên nghiệp. Đến giờ, hiệp hội bảo vệ cầu thủ chúng ta còn không có. Và đương nhiên khi xảy ra tình huống nào đó thì cầu thủ tự chịu trách nhiệm.
Với một số cầu thủ mà vấn đề tiền bạc không phải quá khó khăn, họ có thể chi trả tiền bồi thường theo yêu cầu của VFF nhưng rõ ràng ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý. Cầu thủ ra sân không thi đấu nhiệt tình, không cống hiến thì ai xem bóng đá?
– Ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng Ban kỷ luật VFF từng khẳng định, ông không làm sai khi áp dụng những điều khoản trong Quy định kỷ luật đối với vụ Quế Ngọc Hải song ông thừa nhận có những bất cập và tạo ra nhiều tranh cãi. Ông nghĩ sao về điều này?
Quy định do ai đặt ra? Quy định là do con người đặt ra. Đặc biệt trong trường hợp này, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp là do chính các CLB đặt ra, do đơn vị tổ chức đặt ra. Vậy khi thấy bất cập phải sửa chứ. Tại sao thấy bất cập mà lại nói tôi chỉ biết làm vậy. Con người không phải cái máy. Ở đây còn yếu tố tình trong đó. Nếu không sửa đổi sẽ lặp đi lặp lại tình trạng Quế Ngọc Hải, Huỳnh Tấn Tài…
– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hà Thành – Theo VTC News
[gravityform id="1" title="true" description="true"]
CÁC DỊCH VỤ PHÁP LÝ DO DC COUNSEL CUNG CẤP
Các dịch vụ do đội ngũ luật sư và cộng sự nhiều kinh nghiệm thực hiện
LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
DỊCH VỤ PHÁP LÝ
LUẬT SƯ TRANH TỤNG