Sự phát triển của các trang thương mại điện tử có mặt tốt nhưng cũng phát sinh nhiều hệ lụy về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm.

Không thể phủ nhận rằng nhờ các trang thương mại điện tử (TMĐT) mà việc mua bán trở nên thuận lợi bởi chỉ cần một cú click chuột thì “cái gì cũng có”. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tốt thì vẫn tiềm ẩn hàng loạt vấn đề như hàng giả, hàng kém chất lượng… tràn ngập trên các trang bán hàng này và người tiêu dùng phải lãnh đủ.

“Thượng vàng hạ cám”

Trên các trang Lazada, Shopee, Sendo,… khách hàng có thể chọn mua bất cứ loại hàng hóa có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng như điện thoại, máy tính xách tay, máy ảnh, xe máy đến hàng hóa có giá trị thấp hơn như thời trang, mỹ phẩm, hàng gia dụng, bách hóa tổng hợp sử dụng hằng ngày.

Đơn cử, chỉ cần gõ “giày Converse” thì trên các trang bán hàng Shopee, Lazada hiện ra các mức giá siêu rẻ từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí chỉ cần 100.000 đồng là có một đôi giày được giới thiệu là Converse “chính hãng”.

Hay tìm kiếm mua “tai nghe iPhone chính hãng” thì đủ các loại thượng vàng hạ cám với giá thậm chí dưới 100.000 đồng. Trong khi đó, với một tai nghe chính hãng, giá bán hiện được niêm yết là 800.000 đồng tại FPT Shop.

Cửa hàng TimeZone (TP.HCM) đăng ký bán trên Lazada tai nghe iPhone với mức giá chỉ 15.000 đồng. Trong phần hỏi đáp, nhiều người đặt câu hỏi đây có phải hàng chính hãng không. Chủ shop trả lời qua loa và nói rằng đây là hàng đang giảm giá.

Không chỉ bán hàng nhái, các trang TMĐT còn là nơi bán các sản phẩm có chất lượng không giống, tương xứng hoặc khác xa với thực tế.

Anh Lê Ẩn (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) vào một trang bán hàng điện tử để đặt mua nước giặt Omo. Mọi giao dịch đều thể hiện thành công và thanh toán tiền qua mạng. Tuy nhiên, khi nhận hàng và kiểm tra, anh Ẩn mới phát hiện sản phẩm không đúng thể tích, loại hàng cũng như giá cả của sản phẩm anh nhận thấp hơn so với sản phẩm anh đặt mua. Anh phản ánh lên trang này thì hệ thống chỉ ghi nhận và để đó mà không xử lý. “Hơn một tháng nhưng phản ánh của tôi vẫn không được xử lý. Chỉ khi tôi liên tục gửi email và gọi điện thoại nhiều lần thì nhân viên chăm sóc khách hàng mới giải quyết. Phía bên Tiki lúc này chọn phương án hoàn tiền chứ không đổi sản phẩm vì họ nói sản phẩm tôi đặt không còn hàng” – anh Ẩn chia sẻ.

Ngoài ra, các sàn TMĐT ngang nhiên cho phép người bán bán các sản phẩm có nội dung không được phép. Thử tìm kiếm “thuốc kích dục”, một mặt hàng cấm, trên trang Lazada, hàng loạt mặt hàng hiện ra với giá chỉ từ 25.000 đồng cho đến hơn 500.000 đồng.

Sai phạm của sàn thương mại điện tử: Phạt quá nhẹ - ảnh 1
Người tiêu dùng đang đứng trước ma trận hàng kém chất lượng trên mạng. Ảnh: MH

Lỗ hổng nào trên các trang TMĐT?

Theo luật sư Nguyễn Quốc Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM): Theo quy định Bộ Công Thương ban hành từ năm 2014, chủ sàn giao dịch TMĐT hay website bán hàng phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… Nhưng thực tế nhiều sàn tmđt đang có vẻ không tuân thủ về pháp luật trong hoạt động của mình. Theo đó, khoản 3 Điều 36 của Nghị định 52 yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin khi đăng ký sử dụng dịch vụ trên sàn”.

Theo đó, ông Phong cho biết nội dung đăng ký gồm tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân. Ngoài ra, pháp luật yêu cầu phải cung cấp số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân. “Như vậy, một số sàn tmđt  hiện nay không yêu cầu người bán hàng cung cấp đăng ký kinh doanh là sai luật. Chính điều này đã khiến cho người kinh doanh có thể thoải mái buôn bán các mặt hàng do mình đăng tải trên sàn TMĐT mà không bị “gò bó” hay lo sợ kiểm soát” – luật sư Phong khẳng định.

Ông cũng cho hay ngay từ khi đăng ký đề án và lập trang TMĐT cho đến khi đi vào hoạt động thì các sàn này thực ra cố tình làm lơ quy định pháp luật để thu hút người bán, người mua bằng mọi giá. Đó là chiêu trò của họ. Vì càng nhiều người bán, lượng hàng càng phong phú thì càng được nhiều người biết đến và mua. Các sàn sẽ được rất nhiều lợi nhuận từ việc chiết khấu giá sản phẩm, quảng cáo và cả dữ liệu khách hàng.

“Lâu nay chúng ta quên rằng các sàn TMĐT ngoài việc tuân thủ theo luật của TMĐT còn phải tuân thủ các điều luật chuyên ngành khác liên quan tới hàng hóa như Luật Quảng cáo, Luật Văn hóa phẩm…. Nhưng họ cố tình nhắm mắt cho qua. Điều này cần phải xử lý, không chỉ là hành chính mà còn là tước quyền kinh doanh” – ông Phong tái khẳng định.

Kiểm soát các sàn TMĐT…. chỉ mới xử lý ở bề nổi

luật sư Nguyễn Quốc Phong cho rằng: “Sàn TMĐT gần như hệ thống siêu thị, nghĩa là mọi nguồn hàng khi bày bán phải được kiểm tra. Người tiêu dùng dù mua trên sàn TMĐT nào, dù hàng đó là nhà bán hàng nào phụ trách thì trách nhiệm cao nhất vẫn nằm ở các đơn vị quản lý sàn. Nếu như không đảm bảo được chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các nhà bán hàng trên sàn thì các sàn phải có trách nhiệm xử lý triệt để những tình huống người tiêu dùng gặp phải. Vì rốt cuộc, sàn TMĐT có tồn tại được hay không, người tiêu dùng chính là người quyết định”.

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM về trách nhiệm của sàn giao dịch với người bán và người mua hàng, đại diện Lazada cho biết phía sàn buộc tất cả hoạt động giao dịch phải cam kết về việc tuân thủ bán hàng, tuyệt đối không được có hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. “Lazada xây dựng một đội ngũ chuyên kiểm tra chất lượng hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gọi tắt là QC. Về phía khách hàng, người tiêu dùng có toàn quyền đổi trả sản phẩm theo quy định của Lazada nếu phát hiện bất kỳ sản phẩm bị lỗi hoặc kém chất lượng” – đại diện Lazada cho hay.

Nhưng thực tế, tình trạng này dường như vẫn xảy ra thường xuyên ngay cả khi Lazada xây dựng đội ngũ kiểm tra chất lượng hàng hóa và rất nhiều người phản ánh về tình trạng đổi trả hàng phức tạp.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, hiện nay các đối tượng buôn bán hàng nhập lậu sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng… dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. Theo đó, hàng hóa được cất giấu ở các kho hàng và được quảng cáo, giao dịch mua bán qua các trang mạng xã hội, website. Hàng hóa được đặt mua từ các website nước ngoài sau đó được xách tay hoặc vận chuyển về Việt Nam để kinh doanh, trà trộn với hàng nhập khẩu có đầy đủ chứng từ nhập khẩu theo quy định gây nên khó khăn trong việc phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo ông Bách, việc kiểm tra, kiểm soát qua các trang mạng chỉ mới xử lý phần lớn ở bề nổi, là các trường hợp thiết lập website TMĐT không thông báo với cơ quan quản lý theo quy định… Chưa khai thác thông tin nguồn gốc hàng hóa, nơi cất giấu và chứa trữ hàng hay đầu mối cung cấp cho các đối tượng kinh doanh.

Bộ Công Thương sẽ “bêu tên” các website bán hàng vi phạm

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về quản lý website TMĐT ứng dụng trên thiết bị di động nhằm khắc phục những điểm hạn chế trong quản lý, đồng thời đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến vào khuôn khổ. Bộ sẽ cho công khai tên website TMĐT, ứng dụng di động cũng như tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, ứng dụng có các hành vi vi phạm.

Cần xử phạt nặng để răn đe

Sai phạm của sàn thương mại điện tử: Phạt quá nhẹ - ảnh 2
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại VBHN số 14/VBHN-BCT năm 2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, mức độ xử phạt sẽ tùy thuộc vào hành vi cụ thể từtrang thương mại điện tử, chủ yếu là hình phạt tiền.

Song mức phạt hiện nay là không đáng kể so với thiệt hại thực tế. Bởi việc dễ dàng tiếp cận các hàng hóa này trên web là gần như không có hạn chế về không gian và thời gian. Người mua hàng có thể dễ dàng lựa chọn mặt hàng, do đó khi phát sinh thiệt hại, phạm vi thiệt hại là rất lớn, việc xác định từng chủ thể bị thiệt hại cũng không đơn giản.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH,Đoàn Luật sư TP.HCM

Các chủ sàn không thể thoái thác trách nhiệm

Sai phạm của sàn thương mại điện tử: Phạt quá nhẹ - ảnh 3
Ông TRẦN HÙNG

Nếu phát hiện kinh doanh hàng giả thì không thể xử phạt hành chính. Vì ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người còn làm mất uy tín và hình ảnh môi trường kinh doanh của Việt Nam. Do đó cần phải xử lý nghiêm những hành vi này.

Mặt khác, sàn giao dịch cũng giống như tại các chợ, ban quản lý chợ phải kiểm soát, quản lý được các hộ kinh doanh. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng nhái họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các trang thương mại điện tử phải có trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán trên trang của mình. Phải xác định rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch.

Ông TRẦN HÙNG, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường  (Bộ Công Thương)

Mua phải hàng giả phải làm như thế nào?

Sai phạm của sàn thương mại điện tử: Phạt quá nhẹ - ảnh 4
Ông NGUYỄN HỮU TUẤN

Khi có tranh chấp hoặc có khiếu nại về hàng hóa khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng có thể liên hệ với các đơn vị sau để được hỗ trợ.

Phía Bộ Công Thương thì có Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (vca.gov.vn) hoặc cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn) – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Đối với hiệp hội, người tiêu dùng liên hệ với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (vecom.vn) hoặc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (vinastas.org)

Ngoài ra, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng trên các website uy tín, hợp pháp. Người mua hàng có thể tra cứu thông tin về các website đã tiến hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương trên website cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn. Lựa chọn mua hàng trên các website có thông tin đầy đủ, rõ ràng và minh bạch, các thông tin liên quan về người bán và các chính sách bán hàng kèm theo.

Ông NGUYỄN HỮU TUẤN, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại điện tử
và Kinh tế số (Bộ Công Thương)

NHÓM PHÓNG VIÊN – BÁO PLO