Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người do pháp luật hoặc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định, để đại diện cho một cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch như ký hợp đồng…

4 điểm cần biết về người đại diện pháp luật doanh nghiệp

Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ai?

Theo khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…

Có thể có nhiều người đại diện pháp luật

Công ty TNHH và Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý, quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty (Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014)

Quy định này sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, doanh nghiệp được tự quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật cho mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.

Phải có ít nhất 01 người đại diện pháp luật ở trong nước

Doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có ít nhất 01 người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, người đó phải cư trú ở Việt Nam.

Trường hợp vắng mặt tại Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Hết thời hạn ủy quyền, người đại diện theo pháp luật chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác, người đại diện theo ủy quyền tiếp tục thực hiện đại diện trong phạm vi quyền, nghĩa vụ đã được ủy quyền đến khi người đại diện theo pháp luật trở lại hoặc đến khi có người khác làm đại diện theo pháp luật.

Trách nhiệm của người đại diện pháp luật

Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có những trách nhiệm sau:

  • Thực hiện các quyền, nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
  • Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ, tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
  • Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ, có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ nêu trên.

Theo Luật Việt Nam