Xung quanh số liệu của CBRE Việt Nam – một đơn vị nghiên cứu thị trường công bố, người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM chiếm 31% và có người mua nhà khi chưa đặt chân đến Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, đây là thông tin chủ quan, không đúng với quy định pháp luật.
- Doanh nghiệp bất động sản trước áp lực nguồn vốn ngày càng thắt chặt
- TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế “khủng”
Mới đây CBRE Việt Nam – một đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS – đã đưa ra số liệu khảo sát cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, người Trung Quốc mua nhà ở tại TP.HCM chiếm 31%, vượt xa so với số lượng người Việt Nam (24%), Hàn Quốc (19%), Hồng Kông (6%), Malaysia (3%)…
Theo đơn vị này, số lượng người Trung Quốc mua nhà ở Việt Nam trong 3 năm qua có sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu như năm 2016 chỉ có 2% thì đến năm 2017 con số này đã tăng gấp đôi.
Thông tin trên ngay lập tức nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Các chuyên gia cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS tại TP.HCM cho rằng, số liệu đơn vị này đưa ra thiếu căn cứ xác thực và không phản ánh đầy đủ khách quan thị trường.
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho hay, đây chỉ là số liệu thống kê từ số lượng khách hàng của đơn vị này. Hơn nữa, doanh nghiệp này chủ yếu môi giới bán nhà phân khúc BĐS trung và cao cấp, do vậy không phản ánh toàn bộ thị trường nhà ở TP.HCM.
Theo ông Châu, đơn vị này còn cho biết, có trường hợp người Trung Quốc chưa đặt chân đến Việt Nam mà đã được mua nhà, như vậy là không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam về Luật Nhà ở năm 2014.
Chủ tịch HoREA cho hay, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam rất quan tâm đến chính sách của Nhà nước cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Năm 2016, HoREA đã báo cáo có khoảng gần 1.000 người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM, con số này chắc chắn đã gia tăng trong hai năm qua.
“Qua tìm hiểu tôi thấy người nước ngoài thuộc khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản thường lựa chọn thuê nhà ở. Chỉ có người nước ngoài từ Hàn quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kông là có khuynh hướng mua nhà tại Việt Nam”, ông Châu chia sẻ.
Theo Luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty Luật DC Counsel)
Luật Nhà ở 2014 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, trong đó quy định rất rõ về điều kiện cũng như hình thức sở hữu nhà tại Việt Nam đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn có những vướng mắc nhất định.
Luật sư Hạnh cho rằng, khó khăn của cá nhân, tổ chức nước ngoài trong việc sở hữu nhà ở là quy định tại khoản b, điểm 2 Điều 159 Luật Nhà ở. Cụ thể, quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được “mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”.
Mặt khác, khoản 2 Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 lại nói rõ: “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và có văn bản thông báo cho UBND tỉnh để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.
“Thế nhưng, theo tôi biết, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào chỉ ra cụ thể khu vực nào không nằm trong khu vực đảm bảo quốc phòng, an ninh của Chính phủ để cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà”, Luật sư Hạnh nói.
Bên cạnh đó, theo luật sư này, một vướng mắc nữa là cơ quan chức năng chưa giải quyết được thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài sau khi mua nhà và vấn đề chuyển nhượng nhà, chuyển nhượng hợp đồng mua nhà của người nước ngoài.
Phương Anh Linh | Theo Infonet
[gravityform id="1" title="true" description="true"]
CÁC DỊCH VỤ PHÁP LÝ DO DC COUNSEL CUNG CẤP
Các dịch vụ do đội ngũ luật sư và cộng sự nhiều kinh nghiệm thực hiện
LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
DỊCH VỤ PHÁP LÝ
LUẬT SƯ TRANH TỤNG