Nhiều điểm mới lần đầu tiên được quy định tại BLHS 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Ngày 12-12, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nhiệm vụ, nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và các văn bản liên quan. Hội nghị có sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư TP.HCM. Báo cáo viên là thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt, Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM.

Nhận hối lộ tình dục sẽ bị xử hình sự - ảnh 1

Chưa có pháp nhân nào bị khởi tố

Theo thẩm phán Kiệt, BLHS mới có nhiều quy định như mở rộng phạm vi áp dụng của hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ (có thể áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng). Luật không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên.

Ngoài ra, lần đầu tiên luật quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Theo đó, pháp nhân sẽ chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh tương ứng với các hình phạt chính gồm: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn. Tuy nhiên, theo thẩm phán Kiệt, đến nay chưa có pháp nhân nào bị truy tố.

BLHS mới đã bỏ năm điều luật có hình phạt tử hình, chỉ còn lại 17 điều luật. Về việc thi hành án tử hình thì hình thức tử hình được áp dụng là tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, việc mua thuốc độc từ nước ngoài không thể thực hiện vì nước ngoài không bán. “Vì vậy, Bộ Y tế đã chế tạo ra loại thuốc khi chích vào phạm nhân sẽ chết một cách êm ái, không gây đau đớn, mang tính nhân đạo” – ông Kiệt nói.

Đối với các tội phạm về tham nhũng, theo thẩm phán Kiệt, BLHS 2015 đã “bớt nghiêm khắc” khi đã nâng định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt hoặc là của hối lộ. Ví dụ, tham ô tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng thì không bị xử lý, còn tài sản chiếm đoạt từ 1 tỉ đồng trở lên mới có thể bị tuyên tử hình (BLHS cũ là 500 triệu đồng). Đặc biệt, luật còn quy định nếu sau khi bị kết án mà chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô thì án tử hình được hạ xuống thành chung thân.

Vứt con mới đẻ, hối lộ tình dục là bị tội

Thẩm phán Kiệt kể về một vụ án do chính ông từng thụ lý giải quyết. Theo đó, một anh cán bộ nhà đất nhận hối lộ tình dục của rất nhiều cô gái. Sau đó các cô gái đồng loạt tố việc phải thỏa mãn tình dục cho anh này để anh này giải quyết các hồ sơ liên quan đến nhà đất. Các cô khai rất rõ các khách sạn nơi quan hệ tình dục, số lần, cách khống chế thỏa mãn tình dục… Thế nhưng thời điểm đó tòa không thể xử được vì luật quy định tội nhận hối lộ là hành vi nhận vật chất như nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Hiện nay BLHS 2015 đã quy định của hối lộ không chỉ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất mà còn bổ sung thêm lợi ích phi vật chất khác như hối lộ tình dục, của hối lộ là được làm một việc gì đó có lợi… Tức là nếu anh cán bộ ở vụ án trên có thụ hưởng cả về tình dục thì sẽ bị xử lý cả hành vi này về tội nhận hối lộ.

Ngoài ra, BLHS mới đã tách tội “giết con mới đẻ” thành tội “giết con mới đẻ” hoặc “vứt con mới đẻ”. Hành vi vứt bỏ con mới đẻ là điểm mới đáng chú ý để xử lý những trường hợp như vụ việc mới đây một sinh viên ở Hà Nội đã vứt đứa con mình mới đẻ từ tầng 31 xuống đất.

Cũng theo thẩm phán Kiệt, những vụ người làm công giết chủ nhà xảy ra gần đây cho thấy người dân vẫn chưa có ý thức cảnh giác cao. Đó là việc tuyển người vào làm việc một cách dễ dãi, không kiểm tra nhân thân, lý lịch. Ngoài ra là việc cho người làm thuê ở cùng nhà, không có kỹ năng xử lý những tình huống phức tạp trong đêm tối khi phát hiện có vấn đề hay sự tấn công… “Tôi khuyên mọi người hãy cảnh giác với mọi bất thường xảy ra trong đêm tối như tiếng động, la hét, gõ cửa,… cũng đừng xô cửa ra ngay vì trong rất nhiều vụ án mạng, kẻ ác chủ động dàn cảnh để gọi chủ nhà dậy, điều đến vị trí thuận lợi để ra tay” – thẩm phán Kiệt cho hay.

Tòa án không “cả nể” CQĐT, VKS

Nói về án oan, thẩm phán Kiệt cho rằng trong quá trình xét xử không có chuyện tòa án không “cả nể” CQĐT hay VKS. Vì theo Hiến pháp năm 2013 thực hiện quyền tư pháp, tòa án xét xử mà nhận thấy công an và VKS làm sai mà vẫn xử thì sẽ dẫn đến oan sai. Hậu quả là tòa án phải bồi thường theo luật bồi thường, thậm chí thẩm phán xử oan còn có thể bị khởi tố hình sự.

Cho nên ngành tòa án hiện nay rất nghiêm khắc về vấn đề này, vì nếu lệ thuộc, cảm tính thì như đã nói ở trên phải chịu trách nhiệm tương ứng. Ông Kiệt cũng lưu ý chỉ có tòa án nhân danh Nhà nước mới được quyền tước đoạt mạng sống của con người, đó là tử hình hay được quyền tha bổng một công dân chứ không phải CQĐT hay VKS.

CHÂU YẾN | Theo PLO.VN