Tới 62% startup thất bại vì xung đột giữa nhóm người đồng sáng lập, song rất nhiều người vẫn muốn khởi nghiệp cùng người thân để tăng mức độ an toàn.

Khởi nghiệp cùng người thân hay tránh xa họ?

Jack Ma từng lập nên nhóm 17 người để cùng sáng lập nên Tập đoàn Alibaba. Một nửa trong số đó là người thân cận của ông, gồm cả bà vợ Trương Anh.

Ở Việt Nam, Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo cùng nhau gây dựng nên thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Cặp vợ chồng Sony Vũ và Lê Diệp Kiều Trang từng sáng lập nên Misfit Wearables. Trường hợp gần đây nhất là cặp vợ chồng gây tiếng vang trong chương trình Shark Tank Việt Nam khởi nghiệp với cái tên Abivin.

Có thể thấy, khởi nghiệp cùng người thân là xu hướng của giới trẻ, thậm chí của những doanh nghiệp đã thành công. Chương trình Quốc gia khởi nghiệp mới đây bàn luận về đề tài khởi nghiệp với người thân.

Chương trình Quốc gia khởi nghiệp chủ đề "Khởi nghiệp cùng người lạ hay người thân".
Chương trình Quốc gia khởi nghiệp chủ đề “Khởi nghiệp cùng người lạ hay người thân”.

Nguyễn Khắc Nhật, cùng 6 người bạn khác, khởi nghiệp với CodeGym Việt Nam. Nhóm sáng lập của CodeGym là những người từng làm việc với nhau, thân thiết và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chia sẻ về lý do chọn người thân để khởi nghiệp, anh nhắc đến chữ duyên.

Anh cho rằng khởi nghiệp cùng những người thân quen có những lợi thế nhất định. Đồng hành với họ sẽ an toàn hơn. Giai đoạn khởi nghiệp có nhiều biến động và anh cho rằng giảm thiểu tối đa rủi ro là điều tốt. Hơn nữa, việc hiểu rõ những người đồng hành giúp họ có thể giao tiếp dễ dàng hơn, biết tật xấu của nhau, chấp nhận nó và tìm cách khắc phục.

Trần Hải Quang, nhà sáng lập của ứng dụng biến hoá đơn thành tiền Cling me, từng thất bại nhiều lần khi khởi nghiệp với người thân quen. Quan điểm của anh là “Dễ hoà vi quý là nguyên tắc chúng ta không thể áp dụng trong khởi nghiệp”.

Anh giải thích rằng mâu thuẫn luôn tồn tại giữa các cổ đông và chúng ta không thể dùng tình thân để giải quyết mâu thuẫn trong khởi nghiệp. Việc bao dung với người thân và cho họ nhiều cơ hội khi mắc lỗi khiến startup phải đánh đổi, trong khi điều quan trọng của khởi nghiệp là phải biết chớp thời cơ. “Cái chúng ta ít nhìn thấy là chi phí cơ hội”, anh nhấn mạnh.

Theo anh, nguy hiểm khi làm việc với người thân quen là đa phần chúng ta thường không nhìn họ ở con mắt khắt khe đủ để phát hiện sớm những dấu hiệu của sự sai lầm lớn, trước khi nó thành hậu họa cho công ty. Trong khi đó, ưu điểm của việc khởi nghiệp cùng người lạ là hoàn toàn đánh giá nhau trên công việc và thường có xu hướng minh bạch hơn với nhau.

Giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa những nhà sáng lập

Câu chuyện xảy ra giữa những nhà sáng lập Facebook có thể cho thấy một góc nhìn khác.

Trước khi trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook chỉ là dự án khởi nghiệp của 4 cậu bạn sinh viên Đại học Havard. Lúc đó, Mark Zuckerberg nắm 65% cổ phần, Eduardo Saverin nắm 30% và chịu trách nhiệm về mặt tài chính. Thế nhưng khi mạng xã hội này phát triển, Mark tìm cách “hất” Saverin. Chưa đầy một năm sau khi thành lập, Mark đã bắt tay với nhà đầu tư khác, pha loãng tỉ lệ cổ phần thuộc sở hữu của Saverin, rồi sa thải người đồng sáng lập này. Một cuộc chiến pháp lý nổ ra trong nhiều tháng, và cuối cùng Saverin chấp nhận ra đi với số cổ phần chỉ còn 4%.

Theo khảo sát của quỹ khởi nghiệp Funders & Founders, tới 62% startup thất bại vì xung đột giữa các đồng sáng lập. Khi ném những con người đầy tham vọng xuất thân từ các ngành nghề khác nhau vào cùng một chỗ, để làm việc cùng nhau dưới áp lực nặng nề và nỗi sợ thất bại ám ảnh, tất nhiên xung đột sẽ xảy ra.

Nếu như đồng sáng lập CodeGym lựa chọn cách ngồi lại với nhau, cùng bàn luận và kiên nhẫn tìm giải pháp, ông chủ Cling me lại cho rằng “nước sông không phạm nước giếng” và quan điểm không lấn sân quyền hạn của nhau, và cần một người đủ bản lĩnh để ra quyết định cuối cùng một cách nhanh chóng và dứt khoát.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, trưởng phòng pháp chế Up Co-working Space, cho rằng: “Đối với các startup thì quan trọng là những hợp đồng tiền công ty, rạch ròi trong việc vốn, phân bậc quyền hạn, trách nhiệm của các nhà đầu tư đối với nhau như thể nào cũng cần phải thể hiện trong hợp đồng”.

Chuyên gia tư vấn Viz-Start, ông Nguyễn Tuấn Anh, cũng nhận định: “Cần phải quy định rõ ràng ngay từ đầu, tránh giẫm chân nhau, đặt trách nhiệm đi cùng với quyền lợi, trách nhiệm nhiều hơn đương nhiên quyền lợi sẽ nhiều hơn”.

Khó để có câu trả lời chính xác cho vấn đề lựa chọn người đồng hành khi khởi nghiệp, nhưng điều quan trọng giữa các nhà sáng lập, dù thân quen hay không là họ lựa chọn cách giải quyết như thế nào.

Theo Vietnambiz