Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 11 tháng đầu năm 2018, có thêm đến 121.248 doanh nghiệp thành lập mới, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất là ở nhóm quy mô vốn từ 50-100 tỷ đồng. .

Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất là ở nhóm quy mô vốn từ 50-100 tỷ đồng
Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất là ở nhóm quy mô vốn từ 50-100 tỷ đồng

 Doanh nghiệp quy mô vừa tiếp tục xuất hiện

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 11 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất là ở nhóm quy mô vốn từ 50-100 tỷ đồng.

Hơn 1.500 trong tổng số 121.248 doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2018 có quy mô từ 50-100 tỷ đồng. Con số này tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Mức tăng thấp nhất là nhóm quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017 với khoảng 108 doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng qua.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2018 là 3.432.598 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 1.234.372 tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 2.198.226 tỷ đồng thông qua 39.065 lượt đăng ký tăng vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung nhiều nhất ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (42.570 doanh nghiệp); Xây dựng (15.554 doanh nghiệp); Công nghiệp chế biến, chế tạo (14.938 doanh nghiệp).

Ngành kinh doanh bất động sản đứng đầu về số vốn đăng ký, với 375.064 tỷ đồng, chiếm 30,4% trên tổng số vốn đăng ký.

Tiếp sau là bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, với 193.606 tỷ đồng, chiếm 15,7%.

Ngành xây dựng thu hút thêm 158.918 tỷ đồng, chiếm 12,9%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 140.411 tỷ đồng, chiếm 11,4%.

Về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp, các ngành có tỷ trọng cao như: Kinh doanh bất động sản đạt 58,4 tỷ đồng/doanh nghiệp; Sản xuất phân phối điện, nước, gas đạt 56,6 tỷ đồng/doanh nghiệp; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 18,5 tỷ đồng/doanh nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 17,3 tỷ đồng/doanh nghiệp; Khai khoáng đạt 15,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Trong 11 tháng năm 2018, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 31.869 doanh nghiệp, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp lớn dừng nhiều

So với cùng kỳ năm 2017, nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng có tỷ lệ tăng cao nhất về số lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 45,3%.

Tỷ lệ tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể của nhóm này cũng ở mức cao, lần lượt là 61% và 43,7% so với năm ngoái.

Tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng là ở mức thấp hơn, lần lượt là 63,1% và 37,3%).

Trong 11 tháng năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 25.977 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, trong 11 tháng đầu năm, cả nước có 57.131 doanh nghiệp, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng năm 2018 của cả nước là 14.861 doanh nghiệp, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Có nguyên nhân từ năng lực cạnh tranh kém

Phân tích hiện trạng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể vẫn còn ở mức khá cao, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về năng lực cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, tính năng động, sáng tạo còn thấp, thì ý thức tuân thu pháp luật cũng là lý do khiến số liệu này tăng cao trong mấy tháng qua.

“Số liệu thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể luôn chiếm tỷ lệ lớn. Bên cạnh việc cho thấy vẫn còn nhiều trở ngại đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, số liệu trên cũng thể hiện rằng ý thức tuân thủ quy định pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp còn kém khi không chủ động đăng ký tạm ngừng kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước. Việc này gây ảnh hưởng đến lợi ích của chính cộng đồng doanh nghiệp, bởi, khi đăng ký tạm ngừng kinh doanh theo đúng quy định, mọi quyền lợi của pháp nhân doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo vệ, đồng thời, những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp sẽ được cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận kịp thời để có sự điều chỉnh chính sách phù hợp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn”, bà Minh nói.

Theo thông tin báo cáo tại Tờ trình số 83/TTr-BTC ngày 20/7/2018 của Bộ Tài chính về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, tính đến 31/12/2017, có 14.816 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký nhưng không thực hiện thủ tục giải thể theo quy định. Theo nhận định của Bộ Tài chính tại Tờ trình nói trên, một bộ phận chủ doanh nghiệp trong quá trình tham gia hoạt động kinh doanh đã có sự lựa chọn chưa phù hợp về ngành nghề, nguồn vốn “mỏng”, chủ yếu là vốn vay ngân hàng; khi tình hình kinh tế gặp khó khăn, các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán nên đã chấm dứt hoạt động kinh doanh, bỏ trốn để trốn tránh các nghĩa vụ về thuế và thanh toán các khoản nợ.

Cũng phải nói thêm, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là do việc triển khai công tác rà soát đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động tại trụ sở từ lâu nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Kể từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai công tác rà soát nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động; sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.

“Tất nhiên, không thể khong nhắc tới quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế Việt Nam lại là một nền kinh tế năng động, đang có nhiều triển vọng, khoa học công nghệ không ngừng phát triển như hiện nay thì sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng thể hiện rõ rệt”, bà Minh phân tích.

Tuy vậy, cũng không thể không nhắc tới nguyên do từ môi trường đầu tư kinh doanh, dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Khánh Linh | Theo Báo Đầu Tư