Cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tích cực, song điều tra năm 2017 cho thấy vẫn có 58% doanh nghiệp phải đi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% cho biết là gặp khó khăn khi xin giấy phép

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến.

Ngày 17/11, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại với Bộ Giao thông vận tải, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh đã công bố những thông tin mới nhất về kết quả sau 2,5 năm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, việc tạo thuận lợi thương mại liên quan nhiều đến các Nghị quyết quan trọng của Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/NQ-CP.

Với góc nhìn là người thụ hưởng, phản ánh về hiệu quả mà các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong 2 Nghị quyết trên, VCCI đã làm một nghiên cứu và trong tuần tới, báo cáo nghiên cứu sẽ được gửi đầy đủ tới Thủ tướng và Phó Thủ tướng, các cơ quan liên quan.

Những phát hiện chính trong nghiên cứu này được Tổng Thư ký VCCI đưa ra là việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng là hai lĩnh vực được doanh nghiệp ghi nhận có nhiều chuyển biến nhất.

Ngược lại, lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá là ít chuyển biến.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tích cực, song điều tra năm 2017 cho thấy vẫn có 58% doanh nghiệp phải đi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% cho biết là gặp khó khăn khi xin giấy phép.

Việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng có một số tiến bộ và một trong những điểm sáng là Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, về thủ tục kinh doanh có nhiều tiến bộ, nhưng mới chỉ có 13% doanh nghiệp thực hiện trực tuyến. Điều này liên quan đến công tác số hóa Chính phủ, Chính phủ điện tử.

“Cải cách thủ tục hành chính tại nhiều địa phương có nhiều tiến bộ, song, việc triển khai thủ tục trực tuyến còn rất chậm, có nhiều trục trặc. Cơ chế một cửa đang phát huy hiệu quả tốt ở nhiều địa phương”, ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện trong thời gian qua, doanh nghiệp rất hài lòng về chất lượng dịch vụ cơ sở hạ tầng như điện thoại (78% doanh nghiệp đánh giá hài lòng), điện lực (74% hài lòng), nước sạch (67%), internet (62%), khu công nghiệp (46%), giao thông vận tải (41%).

Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong một năm của năm 2016 là 48%, nhưng năm 2017 chỉ còn 4%; trong đó các doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh tra, kiểm tra là 24%.

“Cách đây 35 ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì việc ra mắt bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đã giao Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và VCCI phối hợp. Năm 2019 với việc triển khai bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp và đưa vào Nghị quyết 35/NQ-CP sẽ là cú huých để cải thiện môi trường kinh doanh và cũng là thực hiện nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo”, Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh cho hay./.

Chu Thanh Vân/TTXVN