Không chỉ tại TP HCM, thời gian gần đây, tình trạng chủ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn, để lại khoản nợ lương, BHXH hàng tỉ đồng của người lao động (NLĐ) cũng diễn ra tại các địa phương.

BHXH Việt Nam cho biết đến hết năm 2017, cả nước đã ghi nhận hơn 100 DN FDI có chủ DN đã bỏ trốn hoặc trong tình trạng “mất tích”.

Việc chủ DN làm ăn thua lỗ sau đó bỏ của chạy lấy người không phải là vấn đề mới. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là vì sao đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ? Một cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở tại TP HCM cho biết đặc điểm dễ nhận thấy ở các DN này, nhất là DN có vốn đầu tư Hàn Quốc, là kiểu làm ăn chụp giật, không có ý định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Chỉ cần gặp khó khăn về đơn hàng hoặc làm ăn thua lỗ là DN sẽ xảy ra nợ lương, BHXH của NLĐ kéo dài. Rõ ràng, việc nhận diện DN gặp khó khăn trong sản xuất – kinh doanh dẫn đến việc không thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho NLĐ là không khó. Nhưng những biểu hiện lạ nói trên chưa được cơ quan chức năng quan tâm và có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Khi DN nợ lương, nợ BHXH kéo dài và sau đó bỏ trốn, NLĐ tại các DN là đối tượng gánh chịu thiệt thòi.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào, quy định nào định nghĩa cụ thể về khái niệm chủ bỏ trốn và cũng chưa có quy định về quy trình xử lý tài sản đối với DN có chủ bỏ trốn. Chính nút thắt này đã khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý tài sản của DN và NLĐ bị thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi (việc làm, tiền lương, BHXH, BHYT…).

Theo ông Quảng, pháp luật phải có sự điều chỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc xử lý thực trạng này. Chẳng hạn, trong vòng bao nhiêu ngày, người đại diện của DN vắng mặt mà không có thông báo cho chính quyền sở tại và không có ủy quyền hợp pháp cho người khác hoặc các cơ quan chức năng đã có thông báo công khai mà chủ DN không phản hồi thì được xem là “chủ DN bỏ trốn”. Khi đó, cơ quan chức năng được quyền thanh lý tài sản của DN theo luật định để trả lương, BHXH, BHYT cho NLĐ. Đồng thời, qua đó làm cơ sở cho NLĐ hoặc tổ chức Công đoàn khởi kiện, yêu cầu phá sản DN để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Khánh Chi | Theo Người Lao Động