Nhiều cá nhân khi bị xúc phạm trên mạng xã hội đã bảo vệ mình bằng việc tố cáo ra công an hoặc khởi kiện thành công.

Cùng với việc phổ biến của mạng xã hội, tình trạng nói xấu, xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng cũng ngày càng gia tăng khiến các nạn nhân luôn bức xúc, thậm chí hoảng loạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ứng xử đúng mực và hiệu quả.

Bỗng dưng bị nói xấu trên mạng, ứng xử ra sao

Dạo một vòng trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… thấy những status có nội dung nói xấu, thóa mạ hay vu cáo nhau không phải là chuyện hiếm, kể cả nêu đích danh hoặc nói cạnh khóe. Có người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy mình thành “gái bán dâm”, “trai bao” với cả số điện thoại cá nhân đính kèm; lại có người tự dưng thành tội phạm, kẻ đồi bại, ngoại tình, tham nhũng… mà thủ phạm bêu xấu có thể là người quen biết, hoặc một cái tên “lạ hoắc lạ huơ”… “

Việc lên mạng phát ngôn là quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân, nhưng phát ngôn như thế nào vừa thể hiện ứng xử văn hóa vừa không vi phạm pháp luật không phải ai cũng làm được. Có nhiều người lấy danh nghĩa tự do ngôn luận, đấu tranh chống tham nhũng để chửi bới, thóa mạ người khác. Cộng đồng mạng, nhiều người không nắm được vụ việc cũng tham gia bình luận như người trong cuộc”, luật sư (LS) Hoàng Hải Hà (Đoàn LS TP.Hà Nội) chia sẻ.

Lập vi bằng để tố cáo đến cơ quan điều tra

Vậy các nạn nhân bị bêu xấu trên mạng cần phải làm gì? Theo LS Hà, trước hết người bị xúc phạm cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những status hoặc bình luận có nội dung được cho rằng xúc phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình. “Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu, những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết”, LS Hà khuyến cáo.

Trường hợp có địa chỉ của người bêu xấu, người bị xúc phạm có thể gửi thư hoặc văn bản yêu cầu gỡ ngay các status hoặc bình luận không đúng sự thật. Nếu người bêu xấu không được thực hiện yêu cầu, theo LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM), người bị xúc phạm nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Theo quy định, trong thời hạn 20 ngày hoặc chậm nhất là 2 tháng, cơ quan công an phải có văn bản trả lời. “Nếu kết luận của cơ quan công an xác định hành vi của người đưa thông tin lên mạng xã hội là bịa đặt thì tùy mức độ vi phạm, thiệt hại xảy ra để xử lý trách nhiệm hình sự, xử phạt hành chính người đưa thông tin. Nếu kết luận của cơ quan công an xác minh thông tin trên mạng xã hội là đúng, nhưng rơi vào trường hợp thuộc bí mật đời tư thì người bị xúc phạm vẫn có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường, buộc xin lỗi vì bị xâm phạm bí mật đời tư”,

LS Chánh nói và cho biết thêm: “Các điều 34, 38 bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp thông tin cá nhân bị xâm phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì cá nhân liên quan có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, yêu cầu người phát tán chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai”.

Tuy nhiên, có một thực tế là không ít trường hợp những kẻ nói xấu không dùng trang cá nhân, hay danh tính thật, mà lập một trang ảo để nói xấu, bôi nhọ người khác. Về điều này, theo LS Chánh: “Cơ quan chức năng giải quyết tin báo, tố giác tội phạm không dựa vào tên trên mạng để xác minh hành vi vi phạm, mà có nhiều biện pháp nghiệp vụ khác. Vì vậy, dù người vi phạm có sử dụng nick ảo hoặc tên người khác để che giấu thì vẫn có thể bị phát hiện, xử lý”.

Xúc phạm người khác có thể bị xử lý hình sự

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, thực tế thời gian qua nhiều cá nhân khi bị xúc phạm trên mạng xã hội đã bảo vệ mình bằng việc tố cáo ra công an hoặc khởi kiện thành công.

Điển hình, tháng 4.2018, TAND Q.2 (TP.HCM) tuyên một thầy giáo bồi thường gần 20 triệu đồng, bao gồm bồi thường tổn thất về tinh thần bằng 10 tháng lương cơ sở, chi phí lập vi bằng và xin lỗi công khai một nữ đồng nghiệp tại nơi làm việc, vì viết trên Facebook nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín nữ đồng nghiệp này. Cũng tòa án này năm 2016 xét xử sơ thẩm một vụ kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Tòa chấp nhận một phần nội dung khởi kiện của bà N.T.M.T (35 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM), buộc bị đơn là ông T.G.N (41 tuổi, ngụ Q.2) phải trực tiếp xin lỗi tại cơ quan thi hành án và chấm dứt hành vi nói xấu bà T. trên Facebook; buộc ông N. phải bồi thường trên 39 triệu đồng về thiệt hại tinh thần cho bà T. và chi phí hợp đồng với Văn phòng thừa phát lại mà bà T. phải trả. Theo nội dung vụ kiện, năm 2012 giữa bà T. và ông N. có quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, sau khi chia tay, ông N. liên tục đăng tải 26 bài viết với nội dung thô tục, xúc phạm cùng nhiều hình ảnh nhạy cảm của bà lên Facebook ở chế độ tất cả mọi người đều xem được. Đồng thời, sau khi đăng tải, ông N. kêu gọi bạn bè cùng chia sẻ thông tin.

Mới đây, vào tháng 7.2018, tại tỉnh Kon Tum, một chủ tài khoản cá nhân đã phải xin lỗi một bệnh viện vì đăng trên Facebook của mình thông tin liên quan đến bệnh viện nhưng chưa được kiểm chứng, gây ảnh hưởng uy tín của giám đốc và toàn thể các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên bệnh viện…

“Người tham gia mạng xã hội cần phải hiểu rằng những bài viết xúc phạm người khác trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013; phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm; nếu gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự ở các tội: làm nhục người khác với mức hình phạt: cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt tù đến 5 năm; tội vu khống với các mức hình phạt: cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù đến 7 năm”, LS Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP.HCM) khuyến cáo.

Vi bằng là gì ?

Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, vi bằng là văn bản do các Văn phòng thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi và được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm… Sau đó, thừa phát lại phải gửi vi bằng qua Sở Tư pháp để vào sổ đăng ký. Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng.

Nguồn Thanh Niên Online